1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Cá chết nổi trắng đồng

(Dân trí) - Trong 5 ngày qua, người dân thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lo lắng khi chứng kiến cá và ốc trên cánh đồng Đồng Quang nổi trắng đầy mặt nước. Khắp đồng mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Nguyễn Bình (59 tuổi, ngụ ở đội 2) cho biết: “Người nông dân ở đây sống nhờ cánh đồng nên khi có hiện tượng này xảy ra dân rất lo lắng. Từ khi xảy ra hiện tượng này, mỗi ngày tôi vớt được vài kg cá chết. Nếu tình trạng này kéo dài, không những nguồn thủy sản cạn kiệt mà những cánh đồng, hoa màu cũng chết theo”.
 
Cá chết nổi trắng đồng - 1

Cá chết đầy đồng, bốc mùi hôi thối

 

Điều đặc biệt, khu vực cánh đồng Đồng Quang lại nằm sát miệng cống xả thải của Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất (Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung).

 

Sau khi sự việc cá chết xảy ra, UBND xã Bình Thuận phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Sơn và đại diện Bio-Ethanol đi kiểm tra nguyên nhân.

 

Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Qua kiểm tra hiện trường, chúng tôi phát hiện nguyên nhân chính là do Nhà máy Bio-Ethanol xả thải ra môi trường, mùi chất thải hôi thối nồng nặc. Hiện chúng tôi đã kiến nghị Nhà máy đóng ống cống xả thải và chịu trách nhiệm xử lý hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên cánh đồng Đồng Quang”.

 

Trao đổi với ông Phí Quang Hiển - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - chiều ngày 13/2, ông Hiển cho hay Sở TN&MT chưa nhận được thông tin hay báo cáo về vụ việc. “Chúng tôi sẽ triển khai và kiểm tra ngay thông tin này vào chiều nay”, ông Hiển nói.
 
Trong một diễn biến khác, ngày 13/2, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Cà Mau cho biết: “Quan sát hiện trường, cá chết trên sông quanh Nhà máy đạm Cà Mau (Cụm khí- điện- đạm Cà Mau), xã Khánh An, huyện U Minh, là do khí amôniắc. Tuy nhiên, mẫu phân tích thành phần nước được lấy vào ngày 9/2, gửi Chi cục đo lường chất lượng Sở KH- CN Cà Mau để phân tích vẫn chưa có kết quả”.
 
Cá chết nổi trắng đồng - 2

Hệ thống xả thải gây hiện tượng cá chết trên sông Cái Tàu

 

Cùng ngày, ông Văn Tiến Thanh, Phó Ban quản lý, kiêm Giám đốc Nhà máy đạm Cà Mau nói: “Trong quá trình chạy thử, liên tục có cân chỉnh kỹ thuật Nhà máy đạm Cà Mau. Trong quá trình đó, lượng amôniắc rò rỉ ra ngoài. Chúng tôi khẳng định Nhà máy đạm Cà Mau hoàn toàn không xả thải trực tiếp ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải Nhà máy đạm Cà Mau được xây dựng và vận hành để xử lý triệt để nước thải nhiễm dầu, nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt”.

 

Ban quản lý Cụm khí- điện- đạm Cà Mau cho biết thêm: Chiều ngày 8/2, một vài bộ phận xử lý bị tắc, xử lý không triệt để, lượng amôniắc thoát ra ngoài, có thể là một trong nhiều tác nhân làm cá chết. Nhà máy đạm Cà Mau cho chặn ngay dòng nước thải, bơm ngược lại khu vực xử lý, xử lý lại.

 

Ông Văn Tiến Thanh nói: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã khắc phục hoàn toàn sự cố, hệ thống xử lý nước thải hoạt động đạt yêu cầu và dự kiến ngày 18/2 hoạt động trở lại”.

 

Cùng ngày, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau nói: “Sau khi phát hiện cá chết, chúng tôi đề nghị Ban lãnh đạo nhà máy Đạm Cà Mau phải cấp bách chấm dứt nguồn gây ô nhiễm dẫn đến cá chết hàng loạt trên sông Cái Tàu”.

 

Trong khi đó người dân rất bức xúc. Ông Trần Việt Bắc, ở xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình) nói: “Tôi lỡ lấy nước vào vuông tôm, xuất hiện cá chết. Chừng nào bà con có thể lấy nước vào nuôi tôm? Cơ quan nào nói rõ nguyên nhân cá chết, có hỗ trợ bà con thất thu chài lưới trên sông hoặc nuôi tôm cá không?”.

 

Hồng Long - Huyền Trang