1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

C2, Rồng Đỏ nhiễm chì: Người tiêu dùng có quyền khởi kiện doanh nghiệp

(Dân trí) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định như vậy sau cuộc họp với Công ty TNHH URC Hà Nội xung quanh việc tính toán bồi thường cho người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt chuẩn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với báo chí chiều 7/9 (Ảnh: Thế Kha)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với báo chí chiều 7/9 (Ảnh: Thế Kha)

Trao đổi với báo chí về kết quả cuộc họp với Công ty TNHH URC Hà Nội về việc bồi thường cho người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng sản phẩm nước uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, chiều qua (7/9), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) khẳng định, quan điểm trước sau của VINASTAS là doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho những người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, phải tính toán đến phương án bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng có tính khả thi và tránh những vấn đề không đáng có, dẫn đến việc bồi thường chỉ là hình thức.

“Ban đầu Công ty URC chỉ đưa ra phương án xem xét bồi thường cho đối tượng là người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm, nhưng tôi yêu cầu phải bổ sung cả người đã mua sản phẩm bởi họ cũng nằm trong số bị thiệt hại về tiền bạc. Và bước đầu hai bên đã chốt lại là sẽ tính toán để bồi thường cả cho người đã mua sản phẩm hoặc sử dụng sản phẩm C2, Rồng Đỏ nằm trong lô sản xuất đã bị cơ quan chức năng phát hiện nhiễm chì vượt ngưỡng quy định”- ông Hùng nói.

VINASTAS đã đề xuất Công ty TNHH URC Hà Nội dành ra một khoản tài chính để bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt tài sản, còn về sức khoẻ thì phải giám định y tế. Khoản tài chính này dựa trên dữ liệu về 2 lô sản phẩm đã bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi, số lượng sản phẩm đã thu hồi được và số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của cơ quan chức năng, có thể là Thanh tra Bộ Y tế. Doanh nghiệp cũng phải thông báo công khai đầu mối giải quyết việc bồi thường cho người tiêu dùng.

Để phục vụ cho việc thống kê này, ông Hùng cho biết VINASTAS sẽ gửi công văn tới các hội ở địa phương để huy động các văn phòng tư vấn khiếu nại cùng vào cuộc ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng sản phẩm C2, Rồng Đỏ.

Nếu sau một khoảng thời gian nhất định, ví dụ từ 3-6 tháng, không còn khiếu nại của người tiêu dùng thì khoản tài chính bồi thường thiệt hại sẽ được sung công để phục vụ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Nhà nước. Mặc dù vậy, ông Hùng cho rằng việc sung công quỹ dường như chưa thoả đáng bởi nguồn tiền này không nằm trong số các nguồn của ngân sách nhà nước. Vì thế đã có gợi ý từ đại diện Bộ Tài chính trong cuộc họp nói trên là có thể số tiền còn dư này sẽ cho vào quỹ phúc lợi người tiêu dùng của Công ty TNHH URC để sử dụng khi cần thiết.

Ngoài việc giải quyết bồi thường thiệt hại như trên, VINASTAS cũng cho rằng người tiêu dùng sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án nếu thấy đủ cơ sở. “Người tiêu dùng được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành”- ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty URC đánh giá cao ý kiến của VINASTAS là bồi thường phải khả thi, đến đúng người tiêu dùng nhưng việc này cần phải có sự chấp thuận từ phía lãnh đạo cấp cao của URC. Doanh nghiệp này sẽ cùng với VINASTAS xác nhận những việc này trong thời gian tới.

Trước đó như Dân trí phản ánh, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất hai lô sản phẩm thực phẩm, gồm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 – HSD: 4/2/2017), nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ (NSX: 10/11/2015 – HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, Công ty URC Hà Nội còn vi phạm do có hành vi bán hai lô sản phẩm thực phẩm này ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng.

“Với những vi phạm này, Thanh tra Bộ Y tế đã áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 5,826 tỷ đồng. Trong đó, riêng hành vi bán sản phẩm có chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng quy định đã bị xử phạt hơn 5,812 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết.

Theo ông Nhiên, tổng số lô nước giải khát C2 và Rồng Đỏ bị thu hồi lên tới 5 lô. Tuy nhiên, trong đó có 2 lô do công ty tự thu hồi chờ kiểm nghiệm của Bộ Y tế và kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chì ở ngưỡng an toàn. 3 lô thu hồi trước đó chỉ có 2 lô vi phạm như trên, lô còn lại sau khi xem xét vẫn trong giới hạn sai số của phương pháp thử nên không bị xử phạt. Mức phạt này là xử phạt việc sản xuất, bán nước có hàm lượng chì cao hơn công bố ra thị trường.

Thế Kha