1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn:

Bưu điện An Giang “làm ăn” lớn nhất

Đứng đầu danh sách 39 bưu điện “làm ăn” với Nguyễn Lâm Thái là Bưu điện An Giang với tổng giá trị hợp đồng trên 8 tỉ đồng. Qua điều tra cho thấy một số cán bộ ở bưu điện đã tiếp tay cho Nguyễn Lâm Thái chiếm đoạt hàng tỉ đồng của Nhà nước.

Hợp đồng sai qui chế

 

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, từ năm 2002 - 2004, Bưu điện (BĐ) An Giang đã ký 19 hợp đồng với Nguyễn Lâm Thái để mua camera, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm, một số bàn ghế, bảng quảng cáo. Qua rà soát toàn bộ các hợp đồng này thì hầu hết đều sai qui chế, qui định, không thông qua bộ phận chức năng và có dấu hiệu cạo sửa hợp đồng.

 

Cụ thể, có hợp đồng thể hiện sự “đồng ý nhất trí cao” giữa bộ tứ giám đốc - phó giám đốc - kế toán trưởng - trưởng phòng kế hoạch (qua các bút phê thể hiện trên tờ trình, hợp đồng...).

 

Đơn cử, tại hợp đồng số 27 ngày 28/10/2004, ông Võ Hữu Thanh, trưởng phòng kế hoạch, trình chỉ định thầu cho Công ty Siêu điện tử (của Nguyễn Lâm Thái); sau đó ông Trần Văn Trận, phó giám đốc BĐ An Giang, không ngại ngần phê duyệt, cuối cùng là ông Phan Thanh Xiếu, giám đốc BĐ An Giang, trực tiếp ký hợp đồng.

 

Điều đáng nói, ông Võ Hữu Thanh lập thủ tục báo giá trình ký đều phụ thuộc bảng chào giá do chính Nguyễn Lâm Thái cung cấp, thậm chí giữ nguyên file chế bản, cùng phông chữ với văn bản của Nguyễn Lâm Thái.

 

Nghiêm trọng hơn, trong số các hợp đồng ký với Nguyễn Lâm Thái, rất nhiều hợp đồng có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng lại không có số, không ngày tháng. Các ông Phan Thanh Xiếu, Trần Văn Trận đã năm lần ký vào hợp đồng không số, không ngày tháng do Nguyễn Lâm Thái đưa.

 

Chưa hết, khi tiến hành giao hàng, lắp đặt và nghiệm thu, lãnh đạo BĐ An Giang không trực tiếp tham gia mà giao cho... thủ kho Phan Anh Kiệt ký. Mặc dù trong các hợp đồng thiếu thủ tục đầu tư và đấu thầu nhưng ông Đào Phú Mỹ - kế toán trưởng - vẫn chấp thuận thanh toán cho Nguyễn Lâm Thái.

 

“Xé” nhỏ linh kiện để nâng khống giá trị hợp đồng

 

Qua kiểm tra 19 hợp đồng mua bán của BĐ An Giang, cơ quan điều tra phát hiện nhiều hợp đồng có dấu hiệu sửa ngày ký để tách ra thành nhiều hợp đồng. Chẳng hạn, tại các hợp đồng 7, 8, 9 ký ngày 10/1/2003 và hợp đồng 10, 11, 12 ký ngày 19/1/2003 thực chất là ký cùng ngày (10/1/2003).

 

Việc ký tách từng hợp đồng nhằm đối phó với qui chế đấu thầu vì nếu sáu hợp đồng ký cùng ngày thì tổng giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng (gần 268.500.000 đồng/hợp đồng), theo qui chế trên 1 tỉ đồng phải tổ chức đấu thầu.

 

Để thực hiện việc nâng khống giá thiết bị, Thái đã cấu kết với một số cán bộ ở BĐ An Giang phân nhỏ linh kiện trong bộ thiết bị thành nhiều mục. Theo giá thị trường, một bộ camera quan sát hiệu Philips chỉ khoảng 40 - 60 triệu đồng nhưng Nguyễn Lâm Thái “chẻ” bộ thiết bị này thành: 1 camera, 1 kính màu, 1 đầu ghi hình, 1 đế quay, 1 màn hình, micro, dây cáp để bán cho BĐ An Giang với giá gần 268.500.000 đồng (kể cả công lắp đặt).

 

Ngoài việc “xé nhỏ” linh kiện, Nguyễn Lâm Thái đã lợi dụng sự “tín nhiệm” của BĐ An Giang gian lận hợp đồng, trộn lẫn nhiều thiết bị, linh kiện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong bộ camera quan sát để bán cho BĐ An Giang với giá cao gấp nhiều lần so với hàng chính hãng và giá bán ngoài thị trường.

 

Theo lời khai của Nguyễn Lâm Thái, mỗi hợp đồng bán thiết bị cho BĐ An Giang, Thái đều “lại quả” cho các cán bộ ở đây.

 

Theo Hoàng Khương

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm