1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Buôn ma túy phải đối mặt án tử, tham nhũng lớn lại chắc chắn không phải chết?

(Dân trí) - “Người nghèo, cùng đường, buộc phải buôn ma tuý để sinh sống phải chấp nhận đối mặt với án tử hình. Còn người có kiến thức, có chức vụ lại tham ô, tham nhũng số tiền lớn mà chắc chắn không phải chết là không công bằng” – GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Luật “bó tay” với trộm chó, người dân phải tự… “xử” nhau

Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi chiều 26/5, nêu rõ định hướng xây dựng Bộ luật lần này là để bảo vệ được những giá trị cần bảo vệ, đấu tranh với những nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (đại biểu tỉnh Quảng Bình) – người chủ trì soạn thảo dự thảo bộ luật sửa đổi xác nhận còn rất nhiều “sạn” trong lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến. Ông Cường gợi ý xin Quốc hội cho làm dự án Bộ luật này trong 3 kỳ họp để có đủ thời gian lấy ý kiến người dân.

Việc soạn thảo bộ luật sửa đổi được đề ra rất gấp gáp với những những vấn đề cuộc sống đòi hỏi “ngay” và “luôn”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn chứng, hiện tượng trộm chó, người dân phải “tự xử” nhau vì tòa không xử được với quy định định mức tài sản phạm tội tối thiểu trong hình sự là 2 triệu đồng. Không có con chó nào bị trộm được định giá ở mức đó.

Việc rải đinh ra đường để “bẫy” người đi đường, đối tượng kiếm lợi từ việc ép sửa xe thực tế luật hình sự cũng chưa quy định, xử lý được.

Vấn đề bỏ, giảm án tử hình, Bộ trưởng Tư pháp khái quát, dù nhận được đồng thuận cao nhưng bàn vào từng tội cụ thể ý kiến lại rất khác nhau. Thực tế hiện nay, thông thường chỉ có 3 tội danh tòa vẫn tuyên án tử hình là tội ma tuý, cướp giật và giết người. Rất nhiều tội trong số 22 tội còn giữ án tử hình hiện tại chưa bao giờ xét xử, tuyên phạt dù nghe rất… rùng rợn như tội “gây chiến tranh”, “chống loài người”…

“Không có nền tư pháp nào chính xác 100% nên nếu tử hình một người mà sau này phát hiện người đó bị oan thì cũng không làm lại được trong khi quyền sống là quyền lớn nhất của con người. Vậy nên chăng thay thế hình phạt tử hình bằng chung thân không giảm án, ít nhất vẫn còn chuyện, vẫn sửa chữa được nếu cá nhân bị kết án oan sai” – Bộ trưởng Tư pháp nêu quan điểm.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình đoàn TPHCM (ảnh: Như Quỳnh).
Đại biểu Ngô Ngọc Bình đoàn TPHCM (ảnh: Như Quỳnh).

Các đại biểu đoàn TPHCM tham gia phát biểu lại đều không tán thành với việc bỏ án tử hình ở 7 tội danh như cơ quan soạn thảo đề xuất.

Đại biểu Ngô Ngọc Bình - Phó Tư lệnh Quân khu VII - bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc giảm các tội danh xử phạt tử hình, trong đó bao gồm cả các tội danh vi phạm trong quân đội và cho rằng đó là việc sửa đổi rất thiếu thận trọng.

“Luật loại bỏ xử phạt tử hình tội chống lại mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên nhưng đó là điều không nên, bởi chống lại mệnh lệnh tức là chống lại cả chiến lược quân sự, tội này rất nguy hiểm và không lường hết được những hành vi tiếp theo của người vi phạm sẽ gây tổn hại như thế nào cho an ninh quốc phòng và chính trị quốc gia.

Về tội đầu hàng địch, đầu hàng địch nghĩa là phản bội tổ quốc, tội này không thể dung thứ và phải bị tử hình. Một quân nhân mà đầu hàng kẻ thù tức là đã giết chết đồng đội, là có mưu đồ bán nước, và sẽ làm tay sai cho quân thù để chỉ điểm và phá hoại tổ quốc. Không thể lý giải bỏ xử phạt tử hình vì chính sách nhân đạo được, bởi đây là tội vô cùng nguy hiểm, không bị tử hình thì ai biết hành vi tiếp theo của họ như thế nào?” - Phó Tư lệnh Quân khu VII phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng hình phạt tử hình chưa nên bỏ. Về tội danh mà Luật sửa đổi loại bỏ xử phạt tử hình là phá hoại công trình quan trọng, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt ra vấn đề nếu công trình bị phá hoại là nhà máy thủy điện Hòa Bình, là đường dây 500KV...  thì  hậu quả sẽ như thế nào?

“Chỉ là chiếc cần cẩu vô ý quệt vào dây điện đã làm cả miền Nam mất điện, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, sinh hoạt người dân gặp khó khăn, hoạt động giao thông tê liệt… Nên nếu cố ý phá hoại công trình điện hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng thì còn nghiêm trọng hơn rất rất nhiều, gây nguy hại đến nền kinh tế - xã hội.  Vậy nhưng Luật lại loại bỏ tội danh này không xử phạt tử hình thì có thuyết phục không?

Cần căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra để xử phạt chứ không nên bảo bỏ là bỏ hết cả, không thể nói chung chung. Một chính sách hình sự phải cứng rắn để đủ sức răn đe tội phạm, chính sách tội phạm mà nhu mì thì xã hội không thể yên ổn được” - đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu trong tổ, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, với tình hình thực tế tại Việt Nam thì lúc này chưa phải là lúc giảm phạt tử hình. Theo quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch thì pháp luật nghiêm minh để đảm bảo răn đe, muốn cây ngay thì phải uống chứ không thể chờ, trong điều kiện của Việt Nam, muốn siết chặt kỷ cương thì phải dùng luật để răn đe tối đa.
 
Tiêm một liều thuốc độc có thu hồi được tài sản tham nhũng?
GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên thảo luận chiều 26/5 (ảnh: Việt Hưng).
GĐ Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên thảo luận chiều 26/5 (ảnh: Việt Hưng).

Bàn sâu hơn về vấn đề bỏ hay giữ hình phạt tử hình với các tội về tham nhũng, cùng nhận định như Bộ trưởng Tư pháp, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) quả quyết: “Thực tế tôi đã thấy có chuyện người bị kết án tử hình được giảm xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm. Điều này là có thật!”.

Ý ông Chung đề cập đến việc dư luận phản ánh, không giữ án tử hình với tội phạm về kinh tế, chức vụ, người dân khó an tâm, tin tưởng khi “quan tham” có thể chấp nhận hi sinh, nhận án xong chạy án rồi ít năm sau là ra tù, hưởng thụ.

Với hướng lập luận đó, GĐ Công an Hà Nội đề nghị, với tội phạm tham nhũng, cần duy trì hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe.

“Người nghèo không có điều kiện, cùng đường, buộc phải tham gia vận chuyển, mua bán ma tuý để sinh sống phải chấp nhận đối mặt với án tử hình. Còn người có kiến thức, có chức vụ lại tham ô tham nhũng số tiền lớn mà lại chắc chắn không phải chết là không công bằng. Do đó, tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng” – ông Chung quả quyết.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo, Bùi Thị An, cùng ở đoàn Hà Nội, cũng cho rằng không thể bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng.

Đại biểu Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật) cũng xác định, duy trì án tử hình đối với tội tham nhũng là đúng nhưng ông cũng ủng hộ quan điểm, nếu người phạm tội khắc phục hậu quả thì giảm án từ tử hình xuống chung thân. Ông Thông phân tích: “Tham nhũng xét đến cuối cùng, động cơ cũng chỉ vì tiền. Nếu chỉ bắn chết hay tiêm một liều thuốc độc thì có thu hồi được tài sản tham nhũng? Vậy nếu giảm án, tha tội chết để thu hồi được tài sản thì có phải là hơn?”.

Tuy nhiên, khắc phục hậu quả mức độ nào, khắc phục ra sao, ông Thông cho rằng phải định vị rõ, nếu không sẽ dẫn đến tùy tiện.

Vị đại biểu Thanh Hóa này cũng băn khoăn, nếu được hạ xuống chung thân và không được giảm án thì cứng quá, có thể làm triệt tiêu động lực cải tạo hoàn lương. Ông thông cho rằng vẫn nên tạo cơ hội cho người phạm tội cải tạo để giảm án, quan trọng là quy định các điệu kiện giảm án chặt chẽ, ngặt nghèo hơn.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh thì đề cập, tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái… có đặc chung bắt buộc là phải chứng minh được động cơ vụ lợi mới quy kết được tội, nếu không chứng minh được thì rơi vào tình trạng “tình ngay lý gian”. Đây là kẽ hở về pháp luật để tội tham nhũng “ẩn thân”. Loại bỏ tội “cố ý làm trái” (tại Điều 165) thì nhiều trường hợp không xử lý được hành vi phạm tội trong lĩnh vực kinh tế.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, “bớt tội tử hình sẽ đỡ tốn kém, đỡ vất vả cho cơ quan tư pháp, đảm bảo tình nhân đạo và giảm cả 3 tiêu chí: Mở rộng đối tượng không áp dụng án tử hình, thu hẹp đối tượng áp dụng án tử hình, thu hẹp các loại tội có mức án tử hình.

Đề cập đến quá trình xây dựng Luật, Thứ trưởng Hiếu cho rằng, có những quy định phát huy dân chủ, quyền của công dân, nhưng cũng có những quy định hạn chế của cơ quan tư pháp, như vậy là chính “chúng ta bó tay chúng ta”.

“Giờ hạn chế bớt quyền của các cơ quan tư pháp thì không thể chống lại thế lực thù địch. Đừng  đưa ra những quy định làm “bó tay” cơ quan tư pháp. Khi nào bàn kỹ đến nơi đến chốn mới nghĩ đến chuyện thông qua trong năm nay, còn giờ chưa nên thông qua” - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
 

Giới “cổ cồn” đang phá hoại lớn

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) phát biểu: “Nhìn từ góc độ kinh tế, tôi tán thành quan điểm xử lý hình sự đối với các pháp nhân. UB Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra 2 ví dụ là Vedan ở Đồng Nai và Nikotex Thành Thái ở Thanh Hóa, việc chứng minh thiệt hại rất mong manh. Trong khi đó, vụ Vinashin, mức độ “phá” gấp đến 8.700 lần mà tại sao lãnh đạo doanh nghiệp không bị tử hình. Đó là vì họ có Nghị quyết của Hội đồng quản trị. Vụ ngân hàng ACB của “bầu” Kiên, hay vụ ngân hàng Đại dương của Hà Văn Thắm… đều không phải do cá nhân làm.

Nếu không áp dụng tư cách pháp nhân thì trong thời đại này, bộ phận “cổ cồn” họ phá hoại gấp hàng ngàn lần anh mang cần cẩu ra công trường, thi công làm chết người. Tôi tán thành áp dụng hình sự với pháp nhân”.

Phương Thảo – Như Quỳnh