1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Buôn bán động vật hoang dã: Ẩn họa đại dịch toàn cầu?

(Dân trí) - Hoạt động khai thác, buôn bán, và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã được cộng đồng quốc tế xem là vấn nạn, ẩn chứa nhiều nguy cơ bùng phát các đại dịch trên quy mô toàn cầu.

Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, thực thi các nước nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép.

Ngành công nghiệp triệu USD và những hiểm họa đối với sức khỏe con người tiềm ẩn ở khắp mọi nơi

Trong nhiều thế kỷ qua, sản phẩm từ ĐVHD đã được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm các biểu tượng tôn giáo, dùng làm thuốc chữa bệnh, làm vật trang trí, thể hiện quyền lực thông qua các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, làm thực phẩm.... ở nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), ước tính buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở quy mô toàn cầu có trị giá lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm, lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp này đứng thứ tư sau buôn bán ma túy, buôn người và làm hàng giả. Tiêu thụ ĐVHD còn góp phần khiến hệ thống kinh tế bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, cũng như ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh quốc gia.

Đồng thời, việc tiêu thụ ĐVHD còn tiềm ẩn nguy cơ cao mắc các bệnh lây nhiễm. Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Bằng chứng cụ thể nhất, chính là một loạt các bệnh truyền nhiễm mà con người liên tục phải đối mặt trong 50 năm qua, khiến cho  hàng tỉ người mắc bệnh và hàng triệu người chết mỗi năm.

động vật hoang dã

Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các sản phẩm từ ĐVHD.

Cuộc khủng hoảng do căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS những năm 1980 được cho là bắt nguồn từ loài linh trưởng tại châu Phi. Cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ các loài chim hoang dã; Virus SARS năm 2002 đã truyền từ dơi sang loài cầy hương. Với dịch MERS, một chủng virus corona bắt nguồn từ dơi thông qua lạc đà truyền tới con người. Và hiện tại, toàn cầu đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng các nghiên cứu di truyền đã chỉ ra rằng SARS-CoV-2 có sự tương đồng lớn về mã di truyền với các virus corona có trong dơi, tê tê và một số loài động vật hoang dã khác. Chợ ĐVHD được cho là đóng vai trò lớn trong việc truyền nhiễm dịch bệnh, với giả thuyết chủ yếu nguồn trung gian lây bệnh chính là tê tê. Tuy nhiên hiện khoa học vẫn chưa chứng minh được giả thuyết này và gây ra nhiều tranh cãi.

Những năm gần đây theo cơ sở dữ liệu động vật hoang dã C4ADS, tê tê là loài động vật có vú bị vận chuyển, buôn bán trái pháp luật nhiều nhất trên thế giới, và Trung Quốc là thị trường thường xuyên với những nhu cầu về thực phẩm và dược phẩm. Những “chợ đen” buôn bán ĐVHD với điều kiện vệ sinh kém, đông đúc quá mức và là nơi giết mổ, bày bán hỗn độn nhiều động vật có nguồn gốc địa lý khác nhau là môi trường “lý tưởng” đẩy nhanh khả năng truyền mầm bệnh.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD

Tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 4,7 triệu trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây ra dịch Covid-19, xuất hiện tại 210 quốc gia, với hơn 300.000 ca tử vong. Những tổn thất mà đại dịch Covid-19 gây ra đã chỉ ra rằng, việc tồn tại các chợ ĐVHD bất hợp pháp ẩn chứa rủi ro đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế trên toàn cầu.

Trước khi bùng nổ đại dịch, từ những năm 1990 đến nay, nhận thức được sự quan trọng của công tác phòng, chống buôn bán ĐVHD, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, buôn bán các loài ĐVHD. Năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về đa dạng sinh học (CBD), thể hiện ý thức và trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học.

động vật hoang dã

Khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh cho con người.

Để thực hiện các cam kết trên, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ quản lý đến xử lý hành chính, hình sự liên quan đến quản lý, buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các loài thuộc các Phụ lục của CITES và được Ban Thư ký CITES quốc tế xếp vào loại 1 (có đầy đủ luật để thực thi Công ước). Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền về việc cấm vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loài ĐVHD trái pháp luật và các mẫu vật động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý CITES với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang phối hợp thực hiện các hoạt động hoàn thiện khung pháp luật, tăng cường hiệu quả về quản lý, bảo vệ các loài hoang dã, cũng như xử lý hành vi vi phạm đối với ĐVHD. Trong đó đáng chú ý là chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng ĐVHD tại Việt Nam triển khai từ tháng 4/2020 thông qua Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (USAID Saving Species).

Điều 244, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định: Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các sản phẩm từ ĐVHD trái phép là phạm pháp, có thể bị phạt tù tới 15 năm, phạt tiền tới 15 tỷ đồng.

Nguyễn Dương