1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đà Nẵng:

Buộc tái xuất 100% “núi rác” sắt phế liệu

(Dân trí) - Ngày 9/8, lãnh đạo Sở TN-MT, Cục Hải quan, Phòng Cảnh sát môi trường Đà Nẵng đã có cuộc họp liên ngành để thống nhất quyết định xử lý đối với lô 18 container sắt thép phế liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần thép Thành Lợi.

Trước đó ngày 8/8, ông Trần Thế Loãng, Trưởng phòng Kiểm soát, Tổng cục Bảo vệ môi trường và các chuyên gia về môi trường đã đến Đà Nẵng để tìm hiểu 434 tấn rác thải của Thành Lợi nhập có chứa chất độc hại gây nguy hiểm cho môi trường hay không?

Như Dân trí đã đưa tin, sau khi Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng khu vực II (Quatest 2) tại Đà Nẵng có hai kết luận hoàn toàn trái ngược nhau về lô hàng 18 container sắt thép phế liệu (cùng số, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, trong đó kết luận đầu có tỷ lệ tạp chất nguy hại là 5,11%; kết luận sau tỷ lệ tạp chất nguy hại là không có).

 

Không tin cậy kết quả giám định của Quatest 2, các cơ quan liên quan đã họp bàn và quyết định nhờ Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng khu vực III (Quatest 3) tại TPHCM nhưng Quatest 3 “không muốn” giám định. Các cơ quan lại tiếp tục nhờ Vinacontrol chi nhánh tại Đà Nẵng giám định.

 

Sau một ngày lưỡng lự, Vinacontrol chi nhánh tại Đà Nẵng đã quyết định nhận giám định lô hàng nói trên.

 

Phía Vinacontrol đưa ra quy trình lấy mẫu và giám định hết sức chặt chẽ, toàn diện từ giám định cảm quan (nhìn bằng mắt thường, mũi…) cho đến phân tích mẫu, đo phóng xạ…

 

Theo kết quả kiểm qua cảm quan của Vinacontrol, toàn bộ lô hàng sắp thép phế liệu trong 18 container đều ở dạng rời, han gỉ, có mùi hôi lẫn tạp chất PE, giấy lau dầu mở, giấy vụn, giẻ mục, chai nhựa, đất cát... trong đó 6/18 container có mùi hôi nặng, khó chịu; 12 container còn lại có mùi nhẹ hơn.

 

Qua phân tích tại phòng thí nghiệm, có 6/18 container có tỷ lệ tạp chất chiếm 6,78%, 12 container còn lại có tỷ lệ tạp chất chiếm 3,5%.

 

Từ kết quả kiểm tra cảm quan và phân loại, Vinacontrol đã đưa ra một số chất nguy hại, trong đó hàm lượng asen là 4,822mg/kg, vượt giới hạn nguy hại theo TCVN:2000 là 0,1%; thủy ngân là 6,795mg/kg, vượt giới hạn nguy hại theo TCVN:2000 là 0,2% và silen là 9,573mg/kg, vượt giới hạn nguy hại theo TCVN:2000 là 0,1%.

 

Trong cuộc họp, các cơ quan (gồm Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng, Cảnh sát môi trường, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, Vinacontrol chi nhánh tại Đà Nẵng và chi cục Bảo vệ thuộc cục Bảo vệ môi trường miền Trung) đã đi đến kết luận: Đây không phải là lô hàng chất thải nguy hại nhưng có nhiều chất thải nguy hại không được làm sạch phân loại (tại khoản 1, điều 43 Luật Bảo vệ môi trường). Vì thế căn cứ theo điều 16, Xử phạt hành chính tài nguyên – môi trường, các cơ quan buộc Công ty cổ phần Thép Thành Lợi phải tái xuất lô hàng trên.

 

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng cho biết, việc tái xuất là một thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp nhưng Đà Nẵng đang xây dựng thành phố môi trường, vì thế phải xử lý mạnh không để tiền lệ cho các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Công ty Thép Thành Lợi có thể bị phạt từ 15 - 60 triệu đồng.

 

Được biết, ngoài lô hàng này, Công ty Thép Thành Lợi có 566 tấn hàng tương tự đang về Đà Nẵng. “Nếu lô hàng đó về Đà Nẵng, chúng tôi cũng sẽ làm tương tự”, ông Điểu cho biết.

 

Tuy nhiên, một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là liệu lô hàng này có thể tái xuất được không khi có thông tin cho rằng Chính phủ Ý đã phủ nhận rằng lô hàng này có nguồn gốc từ nước họ. “Hiện nay thành phố chưa nhận được văn bản nào của Chính phủ Ý. Nếu như không truy được nguồn gốc của lô hàng thì thành phố sẽ cho tiêu hủy”, ông Điểu cho biết thêm.

 

Khánh Hồng - Hoài Lương - MS