1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bừng sáng những gương học tập và làm theo Bác

(Dân trí) - Một Bí thư Tỉnh uỷ nộp lại 3.000 đô la, một Giám đốc Cty nhận về một Cty khác sắp vỡ nợ để cứu 1.000 công nhân, một chị quét rác đổ cả xe rác để tìm giúp một chùm chìa khoá… là số ít trong hàng trăm tấm gương học và làm theo Bác.

68 tập thể và 144 cá nhân tiêu biểu đã qui tụ về Hà Nội dự hội nghị toạ đàm các điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khai mạc ngày 24/1.

Bí thư tỉnh nộp lại 3.000 USD

Từ góc độ của người lãnh đạo, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, Hồ Xuân Mãn nêu lên việc học tập Bác ở quan niệm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và người lãnh đạo phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, khó khăn phải đi đầu. “Những nơi khó khăn nhất, bản thân người đứng đầu phải có mặt, cũng như trong chiến tranh, người chỉ huy phải luôn đi đầu”, ông Mãn nhấn mạnh.

Dẫn ra vụ bắt cóc con tin tại Huế vừa qua, ông Mãn cho rằng, vụ việc không phải lớn, nhưng ông là người có mặt tại sở chỉ huy “nóng” ở hiện trường và kết quả chung, đã giải thoát được con tin, giữ được an toàn cho người dân.
 
Bừng sáng những gương học tập và làm theo Bác - 1
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao đổi với các tấm gương tiêu biểu giữa giờ nghỉ (Ảnh: MC)

Cũng theo ông Mãn, học tập Bác về “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, ông quan niệm đồng tiền rất quan trọng, nhưng nếu coi đó là mục đích, sẽ biến mình thành nô lệ. Ông cho biết, một lần phát hiện ra khoản tiền 3.000 đô la hối lộ mình, ông đã lập tức báo cáo Tỉnh uỷ, công an tỉnh.

Về xây dựng đoàn kết trong Đảng, ông Mãn nhìn nhận, trước hết phải bắt đầu từ Bí thư, Chỉ tịch. “Nếu Bí thư, Chủ tịch không đoàn kết, Đảng bộ cũng mất đoàn kết”, ông Mãn nhấn mạnh.

 Trong xã hội, nếu mỗi người, mỗi ngày cố gắng làm một việc tốt thì cái tốt sẽ trở thành phổ biến, cái xấu sẽ bị đẩy lùi, cái tốt sinh sôi nảy nở và phát triển”, ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động.
Đảm nhận một công việc bình thường, chị Nguyễn Thị Vóc, Tổ trưởng Tổ thu gom rác Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cho biết, chị học Bác ở tinh thần trách nhiệm. Theo chị Vóc, quét rác là công việc đơn giản, nhưng “không phải ai cũng làm tốt được”.

Chị Vóc cùng những người trong tổ của mình thường chọn giờ quét rác vào lúc 4 - 6h sáng - thời điểm mà những công nhân sẽ phải nhận về mình sự vất vả. Nhưng bù lại, lúc đó còn sương nên đường phố không bị bụi và cũng không ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Một câu chuyện ấn tượng được chị Vóc kể tại hội nghị là có lần chị đang đẩy xe rác, có một cụ ông chạy với theo nói có thể ông đã bỏ nhầm vào túi rác… chùm chìa khoá!

Bà Vóc không ngần ngại đổ cả xe rác ra để cùng ông cụ tìm lại được chùm chìa khoá. “Làm như vậy tuy mệt, nhưng lòng mình thấy vui”, chị Vóc tâm sự.

“Cuộc đời không phải những việc đã làm…”

Bí thư huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, Nguyễn Thái Học cho biết, để học tập và làm theo tấm gương của Bác, huyện đã vận động, thực hiện treo ảnh, di chúc của Bác trong mỗi gia đình. Cho đến hiện nay có tới 90% hộ gia đình trong huyện đã thực hiện được điều này.

“Thông qua cách làm này, tư tưởng, đạo đức của Bác luôn gần gũi, tác động trực tiếp tới mỗi người hàng ngày để từ đó mỗi người học tập và làm theo”, ông Học nói.

Đối với cán bộ, công chức, huyện cũng chọn ra những yếu kém về lề lối, tác phong làm việc để ra chỉ thị chấn chỉnh lại, tạo ra ý thức trách nhiệm. Đặc biệt, đối với tổ chức Đảng, huyện uỷ đã xây dựng qui chế chất vấn trong Đảng.

Thêm nữa, yêu cầu cán bộ, Đảng viên phải sát dân, đối thoại, tiếp xúc với đân định kì hàng quý, từ đó những bức xúc, những vấn đề nổi lên được giải quyết kịp thời.

Hiệu quả chung của cuộc vận động theo ông Học là Đảng bộ, chính quyền mạnh lên, dân chủ được phát huy.
 
Bừng sáng những gương học tập và làm theo Bác - 2

Giám đốc Cty 36, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng, Nguyễn Đăng Giáp kể, Cty của ông từ chỗ đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản đã dần vươn lên thành một thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng. Đến năm 2009, doanh thu của Cty lên tới trên 1.000 tỉ đồng.

Học tập Bác, ông Giáp và Cty đã không ngại đương đầu với việc khó. Khi đơn vị bạn là Cty 56 thua lỗ, với suy nghĩ gần 1.000 công nhân đứng trước nguy cơ thất nghiệp, 1.000 gia đình có thể túng quẫn, ông Giáp đã mạnh dạn nhận Cty này về. Chỉ sau hơn một năm, nợ của Cty đã được trả, công nhân có việc làm.

Ông Giáp cũng kiên quyết thu hồi đất của Cty bị lấn chiếm mang lại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng, lấy lại lòng tin cho người dân. Đạt được điều này, bản thân ông đã nhận được rất nhiều lời đe doạ.

Chưa hết, Cty của ông Giáp đã mạnh dạn nhận cải tạo chung cư B6 - Giảng Võ, Hà Nội, công việc được biết trước là hết sức nhạy cảm, phức tạp mà Cty khác từng mất 5 năm không giải quyết được. Nhưng chỉ với 3 tháng Cty của ông Thắng vào cuộc, hơn 100 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng, không có khiếu kiện.

“Cuộc đời không phải là những việc đã làm mà là khát vọng”, ông Giáp đúc kết.

Cấn Cường