1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Bùng nổ” tranh chấp nhà, đất

(Dân trí) - Trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2016, Bộ Xây dựng đã nhận được gần 5.000 đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực nhà ở, quy hoạch xây dựng, tương ứng 1.653 vụ việc.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực nhà ở, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2011-2016 của Bộ Xây dựng gửi tới Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng đã nhận được gần 5.000 đơn, tương ứng 1.653 vụ việc (1.486 vụ khiếu nại và 167 vụ tố cáo) nhưng chỉ có 241 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng chủ yếu liên quan đến việc người dân đòi lại nhà, đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trước ngày 1/7/1991.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận tổng số 574 đơn, tương ứng 377 vụ việc khiếu nại liên quan đến việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban quản trị tòa nhà, phí quản lý vận hành chung cư; việc xác định diện tích mua bán theo tim tường hay thông thủy; tranh chấp quyền quản lý sử dụng diện tích sở hữu chung - riêng; tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

Bộ Xây dựng cho rằng, một số quy định của pháp luật về nhà ở giai đoạn trước khi có Luật Nhà ở 2014 còn bất cập, chưa đầy đủ hoặc thiếu đồng bộ.

“Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, thị trường bất động sản, nhà ở ngày càng phát triển mạnh, trong bối cảnh đó nhiều chính sách mới được ban hành, nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia, trong đó có trường hợp chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại tố cáo”- Bộ Xây dựng lý giải.

Trong khi đó, công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch chi tiết đô thị tại một số địa phương, một số dự án còn hạn chế, bất cập. Quá trình lập quy hoạch mới chỉ chú trọng đến hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế mà chưa coi trọng đánh giá các tác động xã hội khi thực hiện quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng còn mang tính hình thức và chưa thực hiện công khai thông tin, cắm mốc giới đồ án quy hoạch…

Để giải quyết những vấn đề trên cần quy định rõ ràng, thống nhất về cách tính diện tích mua bán, phần sở hữu chung, sở hữu riêng, quản lý sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư, điều kiện huy động vốn, bảo lãnh mua bán nhà ở thương mại; điều kiện, thủ tục mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư, chính sách cải tạo chung cư cũ,…

Văn bản do Thứ trưởng Đỗ Đức Duy ký còn cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Xây dựng đã thành lập 65 đoàn công tác, thanh tra, xác minh đối với các lĩnh vực; giải quyết 85 vụ việc nhà đất tồn đọng theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã cơ bản giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân; ban hành 97 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 10,5 tỷ đồng và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 519 tỷ đồng; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý một số trường hợp cán bộ có vi phạm…

Thế Kha