“Bún mắng, cháo chửi” đang ngày càng phổ biến ở Hà Nội

(Dân trí) - Đại biểu Quốc Hội Bùi Thị An cho rằng, những hiện tượng không lành mạnh trong kinh doanh như báo chí phản ánh đang ngày càng phổ biến ở Hà Nội. Chính điều này đang làm mất đi nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến...


“Tôi rất buồn vì Hà Nội đang hỗn tạp và xô bồ...”

ĐBQH Bùi Thị An: Sau khi xem những hình ảnh mà báo Dân trí ghi nhận tại một số cửa hàng ăn uống giữa Hà Nội, chứng kiến hình ảnh nhân viên phục vụ cư xử thiếu lịch sự với khách, tôi thực sự rất buồn và cảm thấy chạnh lòng. Buồn lắm, vì giữa Thủ đô Hà Nội lại có kiểu phục vụ khách như vậy. Khi người ta nhắc đến thủ đô người ta thường nhắc đến nét thanh lịch Tràng An, người Hà Nội xưa vốn nhẹ nhàng, cư xử tinh tế, khéo léo và thân thiện, ăn nói lễ phép chứ không có hiện tượng thiếu lịch sự với khách như bây giờ.

Bản thân bà đã từng bao giờ đi ăn gặp trường hợp chủ quán thiếu thân thiện với khách hàng thậm chí là là cư xử thiếu lịch sự chưa?

Tôi sống ở Hà Nội lâu rồi nên đôi lúc khi đi ăn hàng, quán cũng gặp trường hợp nhân viên phục vụ thiếu thân thiện với khách. Ví dụ khi đưa thức ăn cho mình thì họ vứt xuống bàn hoặc tỏ vẻ nhăn nhó, khó chịu chứ không cởi mở, lịch sự với khách. Vì quán đông nên tôi thường chọn cách im lặng chứ không phản ứng lại với họ. Nhưng những cửa hàng đó chắc chắn là sẽ mất khách, bởi ai cũng chỉ bị một lần thôi. Lần sau khách hàng không bao giờ muốn mất tiền để nghe mắng, nghe chửi.

Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều cửa hàng có lối làm ăn coi thường khách hàng vẫn ăn nên làm ra, mặc cho "tiếng dữ đồn xa”?

Thật ra cái chính là do tâm lý đám đông cứ người này tuyên truyền cho người kia: Ở đây ngon lắm, đông lắm nên nó kích thích sự tò mò của những người khác. Đáng lẽ những khách hàng này phải tự thông minh lựa chọn, biết đánh giá sản phẩm thì đằng này họ lại không có chính kiến của bản thân nên dễ bị thu hút, tò mò bởi hiệu ứng đám đông nên cứ ồ ạt kéo đến.

Chính hiệu ứng này đã gây ra những hệ quả ngược lại với khách hàng. Có người hăm hở dậy từ sáng sớm xếp hàng để mua hàng nhưng khi đến nơi lại chỉ nhận được một sự ứng xử không thực sự văn hóa lắm.

Nhiều ý kiến cho rằng kiểu phục vụ lạ đời này chỉ có ở Hà Nội. Thậm chí, có những so sánh phong cách phục vụ rất trái ngược giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bà nghĩ sao?

Đúng là hiện tượng này giống như “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội đang phổ biến hơn trước. Không chỉ tôi mà nhiều người thân, bạn bè đã phải mang nỗi bức xúc khi vào hàng quán, vừa ngồi xuống đã bị chủ quán hoặc nhân viên quát mắng, quăng quật đồ ăn. Tuy nhiên, tôi tin trong thời buổi này lối làm ăn đó không phải phổ biến và chắc chắn sẽ kết thúc.

Thế nhưng so sánh thì rất là khập khiễng, tôi cũng có đôi khi đi mua ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đúng là ở đó họ ngọt ngào hơn và tôi chưa gặp trường hợp gắt gỏng với khách. Nhưng tôi cũng chưa mua nhiều nên cũng không thể đánh giá chính xác được.

Rõ ràng sự tồn tại của những quán ăn được ví von là “bún mắng, cháo chửi” không phải là mới và cá biệt. Nhưng tại sao, điều tưởng chừng như ngược đời này lại đang tồn tại như một hiện tượng quá đỗi bình thường ngay giữa Thủ đô, thưa bà?

Đây là cái nhược điểm, yếu kém mà Hà Nội cần phải nghiêm túc sửa đổi. Tôi cảm thấy gần đây sự xô bồ ở Thủ đô nhiều hơn bởi sự lai tạp hay chính xác là hỗn tạp ở rất nhiều ở vùng miền mang đến. Và “lỗi” cũng đến từ ngay cả người dân Thủ đô nữa khi họ vì một lý do nào đó lại không giữ được nét thanh lịch vốn có của mình.

Trong khi người dân không ở Hà Nội thì bày tỏ sự thất vọng về văn hóa ứng xử ở mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, trong khi người dân Hà Nội lại cho rằng, Hà Nội xô bồ, lộn xộn về văn hóa vì ngày càng có quá nhiều thành phần dân cư tứ xứ đến sinh sống?

Cả hai cách nhìn nhận như vậy đều chưa đầy đủ. Sự xô bồ hỗn tạp của Hà Nội gần đây thì có nhiều lý do, do mật đô dân số tăng lên quá nhanh, tăng ngoài sức tưởng tượng mà Hà Nội không chuẩn bị kịp để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho những người di cư đến Hà Nội. Thẳng thắn mà nói thì mỗi vùng miền đều có truyền thống riêng tốt đẹp riêng, ví dụ có miền có truyền thống hiếu học như Nam Định, Nghệ An, có vùng lại nổi tiếng với sự sắc sảo như Bắc Ninh... đáng tiếc là nhiều người di cư vào Hà Nội vì cuộc sống mưu sinh, gánh nặng cơm áo nên có những biểu hiện không thực sự tốt lắm.

Ngược lại, ngay cả người dân Thủ đô cũng lâu rồi không ý thức rõ được trách nhiệm của mình, để có thể cải thiện và duy trì được văn hóa truyền thống hay chính là nét tinh túy của người dân Thủ đô, nên điều này dần bị mai một đi.

“Họ tự cho mình cái quyền cư xử thiếu văn hóa”

Đọng lại ở đây là vấn đề văn hóa, về cách ứng xử, và lời ăn tiếng nói giữa con người với nhau. Phải chăng là văn hóa kinh doanh của chúng ta đang thực sự có vấn đề?

Văn hóa kinh doanh nó nằm trong văn hóa ứng xử nói chung, trước hết phải có cái nền. Mà từ trước đến nay văn hóa nền này chưa được chú ý đầy đủ nên văn hóa ứng xử công cộng của chúng ta tương đối kém. Trong đó, có việc ứng xử của những người bán hàng được khách hàng để ý nhiều.

Nhiều người cho rằng lối cư xử thô lỗ của nhiều người bán hàng văn hóa kinh doanh “đuổi khách hàng” như vậy là những hệ lụy rơi rớt do cả một thời kỳ bao cấp kéo dài?

Một trong những nguyên nhân xảy ra thực trạng này cũng có thể là do cả một thời kỳ bao cấp kéo dài đã ăn sâu vào đời sống và ảnh hưởng tới lối cư xử của những người bán hàng ở Hà Nội nhưng nguyên nhân vẫn là do gia phong, nề nếp của từng gia đình. Nhiều chủ kinh doanh không nghĩ rằng văn hóa cũng là một thương hiệu rất lớn cho cửa hàng.

Thực tế, chính vì “cung không đủ cầu” nên những người bán hàng họ tự cho mình cái quyền được đối xử với khách hàng thiếu lịch sự hay nói đúng hơn là không có văn hóa. Nhưng tới đây khách hàng không nhất thiết phải đến đây nữa khi mà họ có nhiều sự lựa chọn cho mình.Và tôi tin chắc rằng người dân Thủ đô sẽ không dại gì mà vừa mất tiền mua hàng mà lại phải nghe mắng chửi cả.

Sẽ hạn chế sự nhập cư vào Hà Nội

Thực tế sự cạnh tranh càng lớn, đi cùng với chất lượng sản phẩm, sẽ đến lúc người kinh doanh buộc phải thay đổi văn hóa kinh doanh, kiểu bán hàng thô lỗ kia sẽ phải mất đi. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi cho đến bao giờ đây, thưa bà?

Đây là một câu hỏi khó bởi không thể đưa ra được con số chính xác nhưng tôi nghĩ là sẽ không lâu nữa những hiện tượng trên sẽ mất đi. Một thương hiệu bao gồm cả chất lượng phục vụ và chất lượng sản phẩm, nếu như chỉ được một trong hai thì chắc chắn sẽ bị mai một đi.

Lãnh đạo Hà Nội cũng rất mong muốn chấn chỉnh được điều này. Để chấm dứt được sự xô bồ, hỗn tạp của Hà Nội hiện giờ và trả lại sự thanh lịch vốn có của một thủ đô nghìn năm văn hiến cần sự đồng bộ của rất nhiều bên. Đầu tiên là thành phố phải có ý kiến chuyện này để chấn chỉnh văn hóa trong kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa trong thương mại. Vì thủ đô ta chuyện này rất là cần nhưng phải tổ chức như thế nào cho hài hòa và thích hợp với người dân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng phải góp tay nâng cao chất lượng sản phẩm cho đồng đều ở các cửa hàng bằng cách đi kiểm tra gắt gao và thường xuyên hơn.

Thứ nữa là những người trong cộng đồng cũng cần góp ý, chia sẻ để cho những chủ quán của những cửa hàng này thấy rằng nếu như cứ tồn tại kiểu bán hàng như thế thì sẽ mất khách hàng. Và tôi đảm bảo là những cửa hàng có hành vi cư xử thiếu thân thiện với khách sẽ dần dần mất hết khách hàng. Ít nhất từ giờ đến 2015 Hà Nội sẽ có chuyển biến trong cái gọi là nề nếp, văn hóa ứng xử nói chung.

Hiện tại trong Luật Thủ đô, có quy định rõ việc lựa chọn công dân vào Thủ đô: Phải có bao nhiêu năm công tác, có việc làm, nhà cửa... Nhiều người có hỏi rằng điều này có hạn chế không? Tôi cho là không vì đấy là chất lượng nhập cư, vì mục tiêu cho những người nhập cư vào Hà Nội sống phải đảm bảo chất lượng cuộc sống của họ. Phải có những điều kiện đặt ra để những người đến Hà Nội phải được hưởng thụ điều kiện sống tốt hơn những chỗ khác chứ không phải là sống lay sống lắt.

Trước đó, rất nhiều các dân cư ở các vùng miền đến Hà Nội để kiếm sống hoặc đi cùng con cái lên thành phố để nuôi con ăn học. Đấy là nguyện vọng rất chính đáng của bà con nhưng cái chính đáng đó cũng phải phụ thuộc vào những điều kiện của thủ đô thì mới phát triển. Tức là ai đến Hà Nội nhập cư thì chất lượng cuộc sống của họ cũng phải được đảm bảo và tôi nghĩ điều này là chính đáng. Tức là họ phải được ăn, ở, học hành... Thủ đô cũng phải đảm bảo được các điều kiện về mặt văn minh, cơ sở vật chất, kinh tế và đặc biệt môi trường sống phải trong sạch. Có như thế, Hà Nội mới xứng tầm là Thủ đô của cả nước và giữ được nét văn hóa đặc trưng của mình.

Xin cảm ơn bà!

Hà Trang - Xuân Ngọc