1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bụi mịn xuyên qua khẩu trang, đi thẳng vào máu gây độc cho cơ thể

Nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội vẫn ở mức không an toàn. Với kích cỡ chỉ nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, bụi mịn vào tận phế nang, đi vào máu, gây hại cho cơ thể.

Theo báo cáo của World Air Report 2018, trong số hơn 3000 thành phố (xếp hạng theo mức độ ô nhiễm bụi PM 2.5), thành phố Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 209 trên toàn thế giới. Trong khi đó, TP HCM xếp thứ 15 trong khu vực và đứng thứ 455 so với trên thế giới.

Vừa qua, Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh- GreenID cũng đã công bố con số đáng báo động khi nồng độ bụi PM 2.5 (bụi mịn) tại Hà Nội vẫn đang ở mức độ không an toàn. Tại trạm đo chất lượng không khí tại Đại sứ quán Mỹ đưa ra kết quả có tới 88 ngày Hà Nội vượt quy chuẩn quốc gia Việt Nam về ô nhiễm không khí.

 

Bụi mịn xuyên qua khẩu trang, đi thẳng vào máu gây độc cho cơ thể - 1
Theo các chuyên gia y tế, bụi mịn xuyên qua khẩu trang, đi thẳng vào máu gây độc cho cơ thể. 

 

Bụi mịn có thể đi thẳng vào máu

BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng (Trưởng Khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương) cho rằng, trong không khí hiện nay, phần lớn được phát hiện là bụi PM2.5 (bụi mịn) có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc, xâm nhập vào hệ hô hấp của con người qua không khí và đi vào phổi, thậm chí đi thẳng vào máu gây độc cho cơ thể.

Theo BS Nguyễn Ngọc Hồng, bụi trong không khí có nhiều loại, có thể là bụi vô cơ hoặc bụi hữu cơ. Ở những môi trường đô thị như ở Hà Nội, mật độ giao thông rất đông, bụi hữu cơ rất nhiều, đây là kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, là các phản ứng cháy không hoàn toàn, sản sinh ra nhiều sản phẩm trung gian và nhiều tạp chất khác như cacbon, sunphua, nitơ, lưu huỳnh và các hợp chất kim loại như chì… rất độc hại.

Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học, lơ lửng trong không khí và rất nhỏ. Những chất này khi vào cơ thể nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở, như ở những người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính ở phổi như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm vấn đề tim mạch… Sống trong môi trường ô nhiễm không khí kéo dài còn gây các rối loạn tắc nghẽn.

 

Bụi mịn xuyên qua khẩu trang, đi thẳng vào máu gây độc cho cơ thể - 2
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên. (Ảnh: KT)

 

“Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải nhập viện, thậm chí những bệnh nhân này đáp ứng kém với điều trị”- BS Hồng cho biết.

Máy lọc không khí, khẩu trang không thể chống lại bụi mịn

Hiện nay, vì mức độ nguy hiểm của bụi mịn PM 2.5, nhiều gia đình, cơ quan tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thường sử dụng các loại máy lọc không khí, khẩu trang có giá trị từ vài trăm đến cả chục triệu đồng để chống lại bụi mịn. Tuy nhiên theo BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng, những thiết bị này hầu như không có hiệu quả như mong đợi.

Bác sĩ Hồng cho rằng, có rất nhiều loại máy lọc không khí. Tuy nhiên, việc đưa máy lọc không khí để xử lý bụi trong cuộc sống, gia đình thì sẽ không hiệu quả. Bởi nếu mở cửa ra thì lập tức bụi vào trong nhà. Theo BS Hồng, máy lọc không khí chỉ thường dùng cho khu hậu phẫu, vô trùng.

“Chúng ta đừng tốn thời gian để nghiên cứu về những loại máy lọc không khí vì nó không giải quyết vấn đề. Để đảm bảo chất lượng không khí, hãy nên trồng nhiều cây xanh, tạo nhiều hồ nước như một lá phổi tự nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng những phương tiện quá hạn sử dụng"- BS Hồng cho biết.

Về việc dùng khẩu trang để ngăn bụi mịn, BS Hồng cho rằng, có những loại khẩu trang đặc biệt vẫn có thể ngăn bụi mịn. Tuy nhiên, khi di chuyển chúng ta cần lượng oxy nhiều hơn thì việc đeo những loại khẩu trang đặc biệt không thể đủ lượng oxy cho hệ hô hấp./.

Theo Minh Khánh
VOV