1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bức xúc thu hồi đất không chỉ do giá đền bù

(Dân trí) - Cuộc khảo sát mới nhất tại TPHCM, Hưng Yên và Thái Bình do Viện những vấn đề phát triển (VIDS) thực hiện cho thấy, người dân bị thu hồi đất có những bức xúc giống nhau và không chỉ do giá đền bù thấp.

Sau đền bù thấp là tái định cư bất hợp lý

Qua được hỏi, hầu hết người dân đều ủng hộ chính sách thu hồi đất để phát triển đô thị hoặc cho phát triển các khu công nghiệp và các làng nghề. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu hồi đất nông nghiệp, các hộ dân đều bức xúc là do giá đền bù thấp.

Kết quả khảo sát cho thấy, như ở khu vực nông thôn của TPHCM, mức giá đền bù đất ruộng biến động từ 100 - 250.000 đồng/m2, đất thổ cư từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với giá thị trường cùng thời điểm.

Trong khi đó, người dân không có quyền đòi hỏi được chia sẻ những lợi ích do “giá cơ hội” có thể cao gấp nhiều lần sau khi bị thu hồi và trở thành đất đô thị hay khu công nghiệp.

Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng không công bằng trong việc định giá đền bù giữa các khu vực trong vùng, có trường hợp hộ khiếu kiện thì lại được mức giá cao so với hộ không thắc mắc…

Không chỉ giá đền bù, tái định cư cũng là vấn đề nảy sinh nhiều bất cập. Điển hình như ở TPHCM, chị Nguyễn Thị Vạn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cho biết: “Dự án Đại lộ Đông - Tây đất tái định cư chưa giao nền cho dân đã buộc dân phải giao đất.

Dự án trả tiền dân đi thuê nhà song số tiền chỉ đủ thuê một diện tích nhỏ, bất tiện cho sinh hoạt gia đình. Dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương cũng không có khu tái định cư, dân bị thu hồi đất phải đến tái định cư cách nơi giải phóng đường từ 25 - 30km, gây khó khăn cho bà con nông nghiệp đi làm ruộng”.

Chính vì thế, đa số các hộ còn đất sản xuất nông nghiêp thường không đến ở tại các khu tái định cư do không tiện sản xuất nông nghiệp và tình trạng căn hộ tái định cư được buôn đi bán lại khá phổ biến song hưởng lợi từ sự chênh lệch ấy lại không phải là người dân.

Rồi đến quy hoạch “treo”

Người dân thường gọi dự án quy hoạch “treo” là những dự án đã tiến hành thu hồi đất hoặc đã hợp đồng thu hồi đất đang trong giai đoạn chờ đợi các nhà đầu tư. Các dự án này thường gây lãng phí tài nguyên đất vì phải bỏ hoang để chờ đợi nhà đầu tư và không rõ đến khi nào.

Mặt khác, tiền đền bù chưa trả hết cho dân nhưng lại không cho dân sản xuất. Sự cấm đoán vô lý ấy đã gây ra những búc xúc, phản đối trong dân. Ngay cả một số dự án công ích (dự án phát triển huyện Văn Lâm, Hưng Yên) thu hồi một diện tích quá lớn, hiện đang bỏ hoang rất lãng phí đã bị dân phản ứng mạnh.

Trong báo cáo đánh giá kết quả thu nhận được từ cuộc khảo sát tại 3 địa phương TPHCM, Hưng Yên và Thái Bình, VIDS nhận định: Có một thực tế đáng tiếc là không ít các dự án mang danh nghĩa “lợi ích quốc gia” hoặc “lợi ích địa phương” nhưng khi triển khai chúng lại làm cho người dân gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc.

Thậm chí, khi giải quyết các bức xúc đó lại thường theo cách tiếp cận “từ trên xuống”, mang tính “áp đặt”.

Có lẽ vì thế mà các vụ khiếu kiện về đất đai thường kéo dài triền miên và khó giải quyết.

Lan Hương