1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả

(Dân trí) - Việc cấp phép bừa bãi và thiếu tính toán trong công tác bạt núi, phá rừng lấy than đang đẩy hơn 550 hộ dân ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) vào nguy cơ mất đất sản xuất, bệnh tật đe dọa.

Đất nông nghiệp biến thành đất hoang
 
Trở lại năm 2008, cánh rừng Khe Tre rộng lớn bao đời che chắn cho người dân dưới chân núi trước tình trạng xói lở, bỗng chốc biến thành một công trường ngổn ngang đá núi, bụi than đen bay mù trời. Hàng chục hécta rừng bị triệt hạ để khai thác than, đất đá lẫn với than bùn được ủi xuống sườn đồi.
 
Việc làm ẩu của các đơn vị doanh nghiệp trong quá trình khai thác đã bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống yên bình của bao người dân ở đây. Thay vì bóc dỡ lớp đất đá bề mặt chở đến bãi đổ và hoàn thổ khi khai thác, các doanh nghiệp lại gạt ủi đất đá bề mặt xuống sườn núi với mục đích giảm thiểu chi phí. Mỗi cơn mưa xuống, hàng trăm m3 đất đá tràn xuống ruộng đồng của người dân.
 
Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả - 1
Lúa không thể mọc nổi trên nửa mét than bùn từ núi Khe Tre đổ về

Ngay dưới chân núi Khe Tre, ông Trần Văn Dương - trưởng thôn Thạnh Đại - chỉ cánh đồng than thở: “Năm 2009 hàng chục hộ dân sát chân núi đã phản ánh với công ty Sơn Thắng, UBND xã về tình trạng ruộng đồng bắt đầu bị xâm lấn. Công ty đã hứa bằng văn bản với dân nếu sau này có chuyện gì công ty sẽ chịu trách nhiệm. Thế mà giờ 10 hécta đất ruộng của 42 hộ dân bị đất bùn lấp cả nửa mét không cây gì mọc lên nổi, nói gì cây lúa”.
 
Cánh đồng ngay dưới dân núi rộng lớn giờ biến thành một bãi đất hoang, cằn cỗi, những dải đất ruộng biến mất, vài cây lúa chỉ mọc lên còi cọc không thể nào trổ bông. 10 hecta ruộng đồng nứt nẻ chân chim.
 
Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả - 2

Dòng kênh khô cạn vì đất, than bùn từ trên núi trôi về lấp đầy

Ông Nguyễn Quang Thiện, người dân thôn Thạnh Đại, nhìn 2 sào ruộng của mình chua xót: “Nhà tôi 7 miệng ăn đều nhờ vào miếng đất này, thế nhưng giờ biến thành đất hoang, từ năm 2009 đến nay không thể nào cày cấy. Trước đây nhà tôi một vụ thu được 25 bao lúa, mỗi bao 50kg, giờ nhìn mảnh đất này mà xót lòng”. Đó cũng là nỗi lòng của hơn 40 hộ dân bỏ hoang đất ruộng của mình từ hai năm nay.
 
Không chỉ thế, người dân cũng phản ánh về tình trạng nguồn nước ô nhiễm cũng khiến người nông dân xuống đồng là bị dị ứng, sưng phù tay chân. Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Bàu sen của thôn Thạnh Đại giờ không còn một con cá, nước uống từ giếng lên thì có mùi lạ và đen nhờ nhờ do nước từ các mỏ than trên kia chảy về. Rồi mai mốt con cháu tụi tôi cũng bị nhiễm bệnh bỏ thôn, bỏ xóm mà ra đi hết”.
 
Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả - 3
Núi Khe Tre vẫn còn nham nhở, đe dọa đến hàng chục hécta ruộng lúa khác
 
Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả - 4

Người nông dân chua xót trên mảnh đất nuôi sống gia đình mình


Cũng chính vì ruộng đồng khô cạn, không có công ăn việc làm người dân lại đổ xô vào rừng khai thác, đi chở gỗ thuê cho lâm tặc, con đường bê tông qua thôn Thạnh Đại buổi trưa lại rầm rập đội quân thanh niên chở gỗ lao nhanh. “Toàn thôn có 267 hộ thì 30% hộ đi làm gỗ, cũng do một phần mất đất nông nghiệp không sản xuất được nữa nên đám thanh niên lại đi làm gỗ để kiếm sống”, ông Dương, trưởng thôn thừa nhận.
 
Bức tử rừng để khai thác than, dân "gồng mình" gánh hậu quả - 5

Thôn có 267 hộ thì 30% hộ dân vì không đất nông nghiệp mà “thành” lâm tặc.

Trách nhiệm địa phương ở đâu?
 
Tại UBND xã, qua trao đổi với ông Hà Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng: “Chuyện này tôi mới lên nên chưa nắm hết. Chủ yếu là hai anh Thịnh, Xuyên (Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã và Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư xã) nắm. Hai anh đang chỉ đạo công tác nạo vét cải tạo ruộng đồng. Mấy anh chờ tôi chút tôi sẽ liên lạc”. Tuy nhiên phóng viên mất 15 phút chờ đợi ông Minh ra ngoài gọi điện vẫn không nhận được thông tin nào. Khi trở vào ông Minh cho phóng viên 2 số điện thoại di động nói là của Chủ tịch UBND xã và Bí thư xã, nói phóng viên tự liên hệ.
 
Khi phóng viên gọi theo số ông Thịnh - Chủ tịch xã thì nhận được câu “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”; liên lạc với ông Xuyên - Bí thư thì chỉ nghe: “Tôi đi Sài Gòn rồi, hẹn mấy anh khi khác”. “Thế anh Minh mới bảo anh đang chỉ đạo làm công tác nạo vét ngoài đồng mà” - “Không! Tôi mới nhảy lên xe đi rồi” (!?).
 
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Đức Tính, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: “Vụ việc xảy ra chúng tôi đã đình chỉ mọi hoạt động khai thác than tại khu vực xã Đại Hưng. Hiện nay còn 10 hecta bị lấp do việc tràn đất từ khu vực khai thác xuống đang được chúng tôi chỉ đạo cho xã Đại Hưng cải tạo bằng cách múc lớp đất cũ đi, đồng thời đào một hồ nén rộng 1,4 hecta để tránh đất lấp xuống ruộng của người dân. Bên cạnh đó chúng tôi cùng xã bố trí những vùng đất canh tác mới cho người dân”.
 
Được biết, tổng số vốn bỏ ra để thực hiện các công tác cải tạo lần này là 3,7 tỷ đồng, trong đó 2,2 tỷ đồng là ngân sách huyện và 1,5 tỷ đồng từ tiền bán đất ruộng của người dân được đào lên cho nhà máy gạch gần đó. Tuy nhiên việc làm này không được sự đồng thuận của những hộ dân. “Chúng tôi được biết có 10 hộ dân không chịu giao đất cho xã, bởi người dân cho rằng đó là đất của họ và họ buộc xã xem lại số tiền 1,5 tỷ đồng tiền bán đất đó chia cho họ để đi mua đất nơi khác, nhưng chúng tôi không chấp nhận phương án này” ông Tính cho hay.
 
Khi được hỏi về trách nhiệm của Công ty Sơn Thắng và một số công ty liên quan do khai thác bừa bãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, ông Tính không có câu trả lời.
 
Việc khai thác than chưa đem lại một nguồn lợi nào cho người dân nhưng hậu quả nhãn tiền từ việc bức tử rừng thì hàng trăm hộ dân đang phải gồng mình gánh chịu. 10 hecta đất nông nghiệp đã bị xóa sổ và hàng trăm hecta khác cũng bị ảnh hưởng. Mùa mưa bão năm nay đang đến gần và nỗi lo đang lớn dần lên trong suy nghĩ của người dân nơi đây.
 
Ô Châu - Huệ Trần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm