Bỏng gas - Một kiểu tai nạn kinh hoàng
Các chuyên gia cho biết, khi đã là nạn nhân của bỏng gas, 100% nạn nhân đều đứng trước lưỡi hái tử thần, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bởi bỏng gas thường gây nhiều tổn thương, mức độ nặng và điều trị rất tốn kém.
Tối 18/8, một tai nạn khủng khiếp đã xảy đến với gia đình ông Hoàng Mạnh B. (58 tuổi) ở Ngọc Hà, Hà Nội. Cậu con trai 9 tuổi đang lúi húi trong bếp, đột nhiên ông thấy trong bếp bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan ra từ phía bình gas.
Ông chạy thẳng vào bếp dập lửa bình gas nhưng không kịp, cả hai cha con ông đều bị bỏng nặng. Ông B. bị bỏng 85% diện tích toàn thân, trong đó khoảng 20% là bỏng sâu. Cậu con trai cũng ở trong tình trạng tương tự.
TS Nguyễn Như Lâm - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia (VB QG) - cho biết sẽ phải tiếp tục soi phổi để chẩn đoán chính xác xem nạn nhân có bị bỏng đường hô hấp hay không, nếu có thì ở mức độ nào.
Nếu bị bỏng đường hô hấp thì nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần những ca chỉ bị bỏng ngoài da, và nguy cơ này là rất lớn. Bởi bình gas thường để ở chỗ kín, cháy nổ khiến nhiệt độ xung quanh tăng cao, toàn bộ phổi, phế quản, phế nang hít phải hơi nóng.
Trong vòng 2 tuần nhập viện, nguy cơ tử vong rất cao, bởi bệnh nhân bỏng nặng thường kéo theo tổn thương phổi, các tạng, đồng thời áp lực của sự bùng nổ làm dập phổi, tràn dịch màng phổi, đó là chưa kể khả năng bị nhiễm trùng máu...
Nếu qua được 2 tuần đầu, bệnh nhân lại đối mặt với nguy cơ các niêm mạc trong phổi mủn ra do vết bỏng, gây tắc nghẽn đường thở. Có thể dùng khí dung kích thích bệnh nhân khạc ra, hoặc nội soi gắp; nhưng không biết lúc nào các niêm mạc này bong, và bong ở vị trí nào.
Các ca bỏng gas thường là bị rất nặng, tỉ lệ tử vong tới 60-70%. Khoa Hồi sức cấp cứu VB QG đang điều trị 10 bệnh nhân thì có tới 50% là nạn nhân của việc không làm chủ được “ngọn lửa thần”. Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, ngoài ông B. còn có 3 người khác bỏng gas nhập viện.
Bếp gas trong gia đình ông L. ở Hải Phòng bị hở tối ngày 6/8, làm người chồng 45 tuổi tử vong, người vợ 35 tuổi đang tiếp tục điều trị. Một ca thương tâm khác là nạn nhân của thiếu hiểu biết: Bà Trần Thị A. (45 tuổi) vừa thay van bình gas vừa hút thuốc lá. Bà bị bỏng 39% diện tích cơ thể, 27% là bỏng sâu.
Theo TS Lâm, mức độ bỏng ngoài da không tương ứng với tổn thương bên trong, nên tất cả đều chưa biết sống chết ra sao với hàng loạt các tổn thương, cả ngoài da và bên trong thường kèm theo.
TS Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, VB QG - cho hay: “Mỗi tháng trung bình viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bỏng gas, phần lớn đều nặng và rất nặng. Cho dù được cứu sống, việc hồi phục chức năng và tiếp tục cuộc sống bình thường của họ cũng rất khó khăn.
Con số nạn nhân bỏng gas đang có chiều hướng tăng lên, khi mà nạn sang chiết ga trái phép, sử dụng nhiều lần bình ga du lịch đang phổ biến. Do đó, Viện đang có kế hoạch xây dựng các tài liệu tuyên truyền phòng tránh tai nạn bỏng gas phát hành rộng rãi”.
Sơ cứu khi bỏng gas
- Đưa người bị bỏng thoát khỏi đám cháy ra chỗ thoáng, dễ thở, dập lửa trên quần áo. Đồng thời làm lạnh vết bỏng bằng việc dội nước sạch, tẩm khăn ướt lên. Sau đó lại ủ ấm cơ thể bởi họ đã bị mất nhiệt qua da, cho họ uống orezon để bù điện giải. Chú ý cho uống từ từ để tránh bị sặc.
- Nếu nạn nhân bị suy hô hấp, ngừng tim do thiếu oxy, nhiễm độc phải hút đờm dãi cho thông đường thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Trấn an để họ bớt sợ hãi, đồng thời đưa ngay nạn nhân đến BV. Người bỏng gas có thể bị các chấn thương kết hợp ở sọ não (biểu hiện hôn mê), cột sống (không ngồi được), sai khớp, chảy máu. Khi vận chuyển bệnh nhân, cần cố định cơ thể. Để ý xem họ có bị các vật sắc nhọn (dao, kéo...) đâm vào phần mềm, nếu có không nên rút ra ngay tránh chảy mất máu mà để đến BV gây mê và gắp ra. Sơ cứu được tiến hành trong vòng 30 phút sẽ có hiệu quả cao nhất. - Tuyệt đối không bôi dầu cá, nước mắm, vôi, bùn, lá chuối, thậm chí mỡ trăn lên cơ thể nạn nhân. Bởi tất cả đều tạo ra màng khiến nhiệt không bị phân tán, hơn nữa đều tất cả chất này đều không vô trùng. |
Theo Lao Động/Viện Bỏng Quốc gia