1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình tắm nước nóng bằng khí ga:

“Bom” trong nhà tắm

(Dân trí) - Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, <a href="http://www3.dantri.com.vn/Sukien/2006/3/108623.vip">2 bé gái bị ngạt khí ga</a> hôm 26/3 không phải là trường hợp hi hữu. Trong vài năm gần đây, năm nào cũng có hàng chục ca ngộ độc khí gas do bình tắm nước nóng, trong đó có nhiều trường hợp đã tử vong.

Suýt chết vì tắm bằng bình nóng khí gas

 

Chiều 26/3, hai cháu Hoàng Tú Anh (13 tuổi) và Trần Thanh Dung (10 tuổi) cùng tắm bằng bình nóng lạnh sử dụng khí gas. “Lúc đầu các cháu vừa tắm, vừa đùa nhau, nhưng sau 15 phút, không thấy hai cháu nói chuyện, cười đùa nữa. Chúng tôi vội mở cửa ra thì thấy cả 2 nằm bất tỉnh trên nền nhà tắm, người mềm nhũn, còn phòng tắm thì ghi ghút hơi nước, sặc mùi khí gas” - người nhà hai cháu cho biết.

 

Ngay sau đó, hai cháu được đưa ra khỏi phòng tắm và đến Trung tâm chống độc chỉ sau 20 phút.

 

Theo chẩn đoán của các bác sĩ, hai cháu bị ngạt khí Hydrocacbon rất nặng. Bởi khi đến viện, các cháu đã qua 20 phút không tiếp xúc với khí gas, được thở không khí nhưng vẫn trong tình trạng lơ mơ, người tím tái. 

 

Bác sĩ bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, độc tính của Hydrocacbon là chiếm chỗ của ôxy trong môi trường khép kín. Khí này được giải phóng càng nhiều, ôxy càng bị đẩy ra ngoài nhanh. Nếu ở trong môi trường đó, con người sẽ rơi vào tình trạng thiếu ôxy, khiến bị ngạt. Trong trường hợp ngạt dẫn đến thiếu ôxy lâu quá khiến não có thể bị tổn thương, thậm chí khiến người bệnh chết ngay hoặc hôn mê sâu mãi mãi.

 

Bình nóng khí gas rẻ, nhưng…?

 

Vài năm gần đây, bình nóng bằng khí gas được người tiêu dùng rất “chuộng” không chỉ bởi công dụng làm nóng trực tiếp, nhanh của nó mà còn vì giá thành rẻ hơn nhiều so với bình nóng sử dụng điện. Hơn nữa, bình nóng bằng khí gas còn tiết kiệm khoảng 40% nguyên liệu so với bình điện.

 

Qua khảo sát một số cửa hàng trên phố Cát Linh, giá thành của những bình nóng khí gas như nhiều người bán hàng nói thì “rất hợp với túi tiền của người có thu thập bình dân”. Một bình nóng bằng khí gas của Trung Quốc chỉ 650.000 đồng, loại “xịn” hơn 1.350.000.

Còn với bình nóng dùng điện đắt hơn, bình rẻ nhất, chỉ có dung lượng 15 lít cũng phải trên 1.500.000đ/bình. Những loại có dung lượng lớn, có thiết bị ngắt điện là 1.850.000…

 

Anh Hải, chủ cửa hàng trên phố Cát Linh cho biết, nhiều người tiêu dùng thích bình nóng bằng khí ga vì rẻ, tiết kiệm, làm nóng trực tiếp, có thể tắm ngay sau khi bật chứ không phải đợi như bình điện. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị gas luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ. Hệ thống gas có thể rò rỉ, hoặc gas được mở ra nhưng lửa không cháy khiến Hydrocacbon thoát ra ngoài, đẩy ôxy ra khỏi phòng tắm khiến người tắm bị ngạt.

 

“Không phải khi nào cũng có thể phát hiện khí ga rò rỉ, vì khi mới vào tắm, phòng tắm được mở cửa thoáng, sau đó, người ta mới đóng cửa lại nên khi phát hiện thì cơ thể đã bị thiếu ôxy, người mềm nhũn, khó thở… rất khó có thể tự mở cửa để thoát ra bên ngoài”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

 

Anh Hải cũng khuyên, người tiêu dùng nên dùng bình nóng bằng điện, tuy đắt hơn một chút nhưng an toàn. Hơn nữa, không phải gia đình nào cũng có thể lắp bình nóng bằng khí gas, bởi muốn lắp ga, ngoài yếu tố áp lực nước lớn, cần phải có quạt thông gió để phòng khi vận hành rất có thể sinh ra khí Hydrocacbon, làm người tắm ngạt thở.

 

                   Phòng nguy cơ ngạt khí gas

 

Bác sĩ Nguyên cho biết, không chỉ bị ngộ độc khí gas khi tắm mà nhiều trường hợp ngộ độc khí gas xảy ra do đun bếp mà không trông nom, khiến nước trong nồi trào lên gây tắt lửa trong khi ga vẫn được giải phóng. Nồng độ gas trong không khí lên đến một mức nào đó còn có thể gây nổ.

 

Riêng với các trường hợp tắm bằng bình nóng đun gas, để giảm thiểu nguy cơ, các chuyên gia khuyên nên chọn mua thiết bị chất lượng cao, cơ sở lắp đặt đảm bảo uy tín. Ngoài ra, nhà tắm phải có hệ thống thông gió để đảm bảo sự thông thoáng.

 

Còn khi thấy có biểu hiện rò rỉ thì không nên sử dụng. Rò rỉ khí gas, biểu hiện cơ bản nhất là ngửi thấy mùi ga, có tiếng xì xì…

 

Cũng theo bác sĩ Nguyên, trong trường hợp gặp phải tình huống tương tự như vụ ngạt của hai em bé ở trên, người nhà cần nhanh chóng mở rộng các cửa cho không khí bên ngoài lùa vào. Khi phòng đã thông khí tốt, phải đưa người bị ngạt ra ngoài thật nhanh. Sau đó, đặt người bị ngạt nằm ở nơi thoáng khí, thoáng gió. Nếu thấy người bệnh bất tỉnh hay thở yếu, ngừng thở phải hô hấp nhân tạo ngay và gọi người hỗ trợ gần nhất.

  

Hồng Hải - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm