1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bới rừng tìm sâm

Cuối cùng, con sâm đất cũng bị phát hiện là món ăn bổ dưỡng, cường dương. Và cuộc sống vốn yên bình của chúng dưới những tán rừng ngập mặn bắt đầu bị đảo lộn. Chúng bị đưa tới các nhà hàng quán ăn ở Sài Gòn, xuất sang Trung Quốc...

Hơn hai tháng nay, ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, rộ lên việc người dân vào rừng ngập mặn khai thác con sâm đất (tên khoa học: Sipunculus, người địa phương còn gọi là con chặt khoai, con đồm độp).

 

Con sâm đất có thân mình giống củ khoai nên còn được gọi là con chặt khoai, khi bị đụng vào, con vật này thun cứng mình lại và xịt ra thứ nước sền sệt màu nâu để phòng vệ. Sâm đất sống ở rừng ngập mặn, nơi gò đất cao, thủy triều lên xuống, chỉ đào khoảng 2-3 tấc là thấy.

 

Lợi trước mắt

 

Những năm trước đây dân địa phương đào vuông nuôi tôm phát hiện con vật này trong đất rất nhiều, nhưng lúc đó cư dân ở đây chưa ai biết sử dụng để làm thức ăn. Từ khi biết sâm đất bán được khá tiền, mọi người đổ xô vào rừng tìm bắt. Lúc đầu chỉ vài mươi người, sau truyền miệng nhau có lúc trên trăm người. 

 

Không chỉ cư dân địa phương mà cả người ở các xã lân cận như Giao Thạnh, Thạnh Hải cũng mang dao, cuốc vào rừng phòng hộ đặc dụng ở Thạnh Phong lúc nước ròng, đào bới bắt sâm đất.

 

Đó là thời điểm con vật này được thu mua với giá 11.000đ/kg. Những người đi đào bắt sâm đất đều là dân lao động nghèo, kiếm sống bằng nghề làm thuê, thu nhập vừa ít vừa bấp bênh. Nay đi đào sâm đất một buổi mỗi người kiếm được 70.000 - 100.000đ. Cái lợi trông thấy đó khiến họ đua nhau đi đào bắt con vật này.

 

Chị Lê Thị Huyền - chủ vựa thu mua sâm đất ở ấp 3 - cho biết: “Đầu tiên có một người ở TPHCM tìm đến Thạnh Phong thăm hỏi qua nhiều người có ai biết con sâm đất! Người đó tìm đến tôi, lúc bấy giờ tôi đang thu mua thủy sản, người này cho giá mua vào 11.000đ/kg và thuê người dân ở đây sơ chế, cắt đầu nặn bỏ ruột (toàn là đất), rửa sạch.

 

Biết đây là con vật chưa mua bán bao giờ, tôi xin phép UBND xã thu mua. Xã có hỏi Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nơi đây bảo rằng con vật này không có trong danh mục bảo vệ, nên xã ký giấy cho phép tôi được thu mua. Bà con ở đây rất phấn khởi, mới 2 giờ sáng, nhiều người đã chờ trước nhà tôi để xin nhận sâm về sơ chế".

 

Chị Huyền cũng cho biết thịt sâm đất giòn và ngọt hơn con mực. Ở Sài Gòn, Đồng Nai, người ta dùng sâm đất để nấu phở, nấu cháo nước dùng rất ngọt. Ở Trung Quốc người ta mua con này để làm thuốc.

 

Chúng tôi đến dốc cầu Bồn Bồn của xã Thạnh Phong lúc 15h30, từng tốp nông dân, áo quần còn lấm lem bùn đất chạy xe đạp chở đầy giỏ, túi sâm đất đến bán cho người thu mua.

 

Anh Nguyễn Văn Phục - một nông dân ở ấp 6 (Thạnh Phong) - cho biết: "Đào sâm đất cực lắm. Nhưng nhờ có nó, cuộc sống gia đình đỡ hơn, bữa ăn có thịt, có cá”.

 

Hại lâu dài

 

Tôi theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Phú vào kiểm tra rừng ngập mặn thuộc tiểu khu 19 (lâm trường huyện) là khu đang bị đào bới nhiều nhất. Nhìn từ bên ngoài, bìa rừng vẫn còn một màu xanh ngút ngàn, nhưng vào bên trong nhiều lõm rừng bị chặt phá, cây bần, cây mắm ngã tứ tung, mặt đất nơi những gò cao bị đào bới nhiều lần tan nát.

 

Anh Nguyễn Văn Nhân - hạt trưởng - cho biết sâm đất cũng giống như con trùn, có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp cây phát triển nhanh.

 

Để dễ dàng đào được sâm đất, người dân phải chặt trống cây rừng để không vướng cuốc. Một người đào một ngày 10kg sâm đất, phải chặt cả trăm mét vuông rừng. Khoảng trăm người đào bắt, mỗi ngày ước chừng mất đi 1ha rừng ngập mặn.

 

Hạt Kiểm lâm đã kiểm tra nhắc nhở nhưng chưa ngăn được. Rừng ở đây không có cửa nên khó kiểm tra người ra vào chặt phá. Trước đây, người vào rừng đào bắt sâm đất còn mang theo dao, cuốc; nay họ gửi lại nhà dân gần đó, đi mình không nên kiểm lâm khó biết được. Trong rừng thấy thấp thoáng cán bộ kiểm lâm là họ lánh ngay.

 

Rừng ở Thạnh Phú là rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng ngập mặn giữ phù sa, bồi lắng đất bãi bờ ngày một cao và lấn dài ra biển. Rừng ở đây còn mang lại cho cư dân nhiều tài nguyên thiên nhiên về thủy sản. Hằng ngày người dân trong vùng có thể vào rừng bắt con cua, con nghêu, con ốc, tôm, cá... kiếm sống được. Nếu mai đây không còn rừng, chẳng những không còn nguồn lợi thủy sản của rừng mang lại mà đất giồng bên trong có nguy cơ bị nhiễm mặn, bởi không còn cây chắn sóng, ngăn gió, bảo vệ.

 

Tôi thoáng nghĩ, nếu mai đây không còn rừng, không còn những tài nguyên thiên nhiên như người kiểm lâm vừa kể, con sâm đất có giá hiện nay có còn nuôi sống cư dân nghèo ở đây nữa không? Mà rồi con sâm đất cũng có nguy cơ không còn...

 

Theo Lư Thế Nhã

Tuổi Trẻ