Bộ Y tế "thúc" nhiều địa phương khắc phục việc thiếu thuốc
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám, chữa bệnh, khắc phục việc thiếu thuốc, thiết bị y tế.
Thông tin nêu trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/10, trong bối cảnh nhiều địa phương, cơ sở y tế vẫn có tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo.
Đề cập đến giải pháp, bà Liên Hương cho biết, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược; nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc. Từ đó, cơ quan liên quan sẽ có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị; tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị.
Đặc biệt, theo bà Liên Hương, trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bên tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kết hợp hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.
Mới đây, trả lời thắc mắc của ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm của Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, khi đấu thầu tập trung phải mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp lại số liệu trên toàn quốc.
Đồng thời, sau dịch Covid-19 nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng vọt. Nhiều đơn vị thống kê so với cùng kỳ tăng từ 40-60% nên dự tính, dự trù không sát, vượt nhu cầu so với thực tế.
"Quá trình dịch bệnh Covid-19 nổ ra trên toàn thế giới đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Đâu đó cũng có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu của một số đơn vị. Một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi đó việc thì nhiều"- ông Thuấn liệt kê nguyên nhân.
Lãnh đạo ngành y tế cũng chỉ rõ nguyên nhân do một số quy định, đặc biệt là trong Luật Đấu thầu về việc đàm phán giá. "Chúng ta phải thực hiện theo quy trình thông thường thì lại phải thêm một quy trình trong đàm phán nữa. Như vậy vô hình trung sẽ kéo dài thời gian trong việc đàm phán giá"- ông Thuấn nói.
Tại phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được, sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các tổ chức, cá nhân trong công việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút" - Thủ tướng nói.