1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bỏ xó 12 tỉ đồng

(Dân trí) - Được khởi công xây dựng từ năm 2003 với nguồn vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng, sau gần 6 năm, Nhà máy nước sạch thị trấn Tây Sơn (Hà Tĩnh) vẫn còn dang dở. Nhiều hạng mục đã hoàn thành bị hoang hóa, xuống cấp thảm thương.

Xót xa nhìn 12 tỉ đồng hoang hóa
 
Nhằm giải bài toán nước sạch vốn là một vấn nạn của người dân thị trấn Tây Sơn nói riêng và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nói chung, cuối năm 2003, Nhà máy nước sạch Tây Sơn đã được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư công trình là BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo, với nguồn vốn đầu tư hơn 11,7 tỉ đồng. Theo dự kiến, sau ba năm kể từ ngày khởi công, nhà máy sẽ được đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân cũng như các đơn vị nhà nước, kinh doanh trên địa bàn.
Tuy nhiên, đầu tháng 6/2009, khi chúng tôi có mặt tại thị trấn Tây Sơn, nhà máy nước sạch này vẫn chưa được hoàn thành. Phòng bảo vệ ngay trước cổng bị đập vỡ kính, cánh cửa bị tháo dỡ, tường rạn nứt, rêu phong chứng tỏ công trình này đã bị bỏ hoang khá lâu.
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 1
Xấp xỉ 12 tỉ đồng, vẫn nằm vô dụng gần 6 năm nay. (Ảnh: Văn Dũng)
 
Để vào được trong khuôn viên nhà máy, chúng tôi phải trèo qua cánh cổng sắt đã gỉ sét. Nhìn quang cảnh hoang vắng bên trong mà xót xa. Tại khu nhà theo thiết kế là dành cho cán bộ, công nhân viên của nhà máy, cửa kính các phòng bị đập vỡ ngổn ngang, hệ thống đèn điện bị phá hỏng hoàn toàn. Tại một căn phòng nằm ở tầng 2, cửa bị mở toang, trong đó có kê một... chiếc giường kèm đầy đủ chăn màn, vương vãi xung quanh là mấy ông tiêm!
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 2
Phòng bảo vệ bị dỡ hết cửa (trái) và khu nhà làm việc khang trang không một bóng người (Ảnh: Văn Dũng)
 
Nằm ngay cạnh khu nhà của cán bộ công nhân viên là khu nhà chứa hoá chất xử lý nước sạch. Khu này cũng đóng cửa im lìm và cũng đã xuống cấp; phía ngoài cửa có dán mảnh giấy “Phòng hoá chất - Khí độc nguy hiểm”.

Xót xa nhất vẫn là khu nhà máy xử lý nước sạch đang xuống cấp do không được đưa vào vận hành, sử dụng. Hệ thống ống dẫn, van khoá đã gỉ do nằm phơi mưa nắng, không được duy tu, bảo dưỡng. Các hồ lắng, lọc chỗ cạn khô cỏ mọc um tùm, chỗ có nước đóng váng, bốc mùi nồng nặc. Hệ thống lan can bảo vệ phía trên gãy ngổn ngang.

Nhà máy không được đưa vào sử dụng kéo theo hệ thống bơm, ống dẫn nước từ suối Rào Qua cũng xuống cấp không phanh. Căn nhà chừng vài chục m2 nơi đặt máy bơm nước phục vụ nhà máy bị bỏ mặc cùng với cỏ dại mọc lút.
 
Trước thảm cảnh trên, người dân thị trấn Tây Sơn chua xót: nếu đem chừng ấy tiền chia cho dân, biết đâu họ đã tự lo cho mình được một công trình nước sạch để không phải sống trong cảnh khát nước sạch “bền bỉ” như hiện nay.
 

Thêm gần 400 triệu đồng để sửa chữa

 

Trước thực trạng Nhà máy nước 12 tỉ đồng bị bỏ hoang phí, gây bức xúc trong dư luận, PV Dân trí đã có buổi làm việc với BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Ông Trần Báu Hà, người vừa tiếp nhận chức Trưởng Ban quản lý cho hay, công trình xuống cấp, chậm tiến độ là do xây dựng không đồng bộ.

 

“Theo nguyên tắc khi có mặt bằng sạch, nhà đầu tư đắp đập làm nhà máy xử lý nước, tiếp tục xây dựng đường ống, đường điện… Nhưng với công trình này thì ngược lại, từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi triển khai xong đều không đồng bộ. Cụ thể hệ thống đường điện đấu nối, hệ thống đường nước bị vướng do giải phóng mặt bằng chưa xong, hoặc liên quan đến nhiều dự án khác nên khi thi công gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hà lý giải.

 

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư chỉ chú ý đến việc thi công mà chậm xác định đơn vị khai thác, sử dụng. Đó là nguyên nhân giải thích việc cho đến thời điểm này, khi công trình đã xuống cấp, chủ đầu tư vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu hộ dân ở thị trấn Tây Sơn cần sử dụng nước máy, từ đó huy động sức đóng góp của người dân tiếp tục xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước về từng hộ gia đình. 

 

Bên cạnh đó, những cán bộ tại BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo cho hay, việc thiếu ổn định về nhân sự, đặc biệt là chức Trưởng ban tại khu kinh tế này cũng là một trong những nguyên nhân khiến công trình bị bỏ mặc dở dang.

 

Trước sự xuống cấp của công trình cũng, sức ép thiếu nước sạch của người dân cùng sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh, mới đây, BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo đã ký hợp đồng hơn 370 triệu đồng với một đơn vị xây dựng có trụ sở tại Hà Nội để khắc phục, sửa chữa lại nhà máy. Công đoạn sửa chữa sẽ được hoàn thành trong khoảng 4 tháng. Khi hoàn thành nhà máy sẽ được giao cho Trung tâm Dịch vụ hành chính công (đơn vị cấp 2 của BQL Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo) đưa vào khai thác sử dụng.

 
PV Dân trí đã "đột nhập" vào bên trong nhà máy nước bị bỏ hoang và ghi lại những hình ảnh xót xa dưới đây:
   
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 3
Khu nhà làm việc xuống cấp không một bóng người
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 4
Hệ thống điện gần như hỏng hoàn toàn.
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 5
Lan can trên bể lọc gỉ ngoét, gãy ngổn ngang
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 6
 Phòng hoá chất bỏ xó với dòng chữ cảnh báo... nguy hiểm
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 7
Hệ thống dẫn lọc khô cứng, cỏ mọc um tùm
 
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 8
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 9
Hệ thống ống dẫn, van khoá đang xuống cấp không phanh 
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 10
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 11
Một góc bể chứa nước
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 12
 Nhà máy bơm bị bỏ mặc bên dòng suối.
 
Bỏ xó 12 tỉ đồng - 13
Hệ thống van khoá gỉ sét 
 
 
Văn Dũng - Bình Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm