Bộ Tư pháp vẫn là cơ quan cấp số định danh cá nhân cho công dân

(Dân trí) - Câu hỏi Bộ Tư pháp và Công an có “dẫm chân” nhau một lần nữa được đặt ra tại buổi công bố luật Hộ tịch tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng 12/12. Ngành Tư pháp sẽ cấp số định danh cá nhân cho công dân khi khai sinh, đây là số thẻ căn cước sau này.

Luật Hộ tịch được cho là có nhiều điểm mới cơ bản. Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.

Luật Hộ tịch cũng quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy) đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an xây dựng, quản lý).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày về những điểm mới của luật Hộ tịch tại cuộc họp báo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày về những điểm mới của luật Hộ tịch tại cuộc họp báo.

Giải thích thêm việc duy trì cơ sở dữ liệu hộ tịch giấy, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử là một định hướng lớn nhưng không thể có ngay được từ 1/1/2016 (thời điểm luật Hộ tịch có hiệu lực) mà cần thời gian chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật, hạ tầng. Kinh nghiệm ở các nước đã xây dựng thành công, việc quản lý, vận hành rất hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cần thời gian dài nên cùng với luật Căn cước công dân, từ 1/1/2020, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định của luật này mới chính thức vận hành toàn bộ hệ thống.

Ông Ngọc thông tin thêm, ngay tại nước phát triển nhất về công nghệ này là Đức thì hệ thống điện tử cũng vẫn có thể có lỗi, vẫn cần lưu giữ song song cơ sở giấy để đảm bảo trong mọi trường hợp.

Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, luật Hộ tịch mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch, như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép.

Cùng với đó, luật đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước nay. Theo quy định của luật, cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.

Điểm đáng chú ý là luật quy định rõ việc miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước.

Theo giới thiệu, thủ tục đăng ký hộ tịch sẽ được đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cấn thiết. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Với những sự việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như khai sinh, kết hôn, sau khi đăng ký, người dân vẫn được cấp bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch hiện nay, luật Hộ tịch quy định cụ thể về tiêu chuẩn công chức trong lĩnh vực này phải có trình độ trung cấp luật trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và có trình độ tin học phù hợp. Trước khi luật có hiệu lực (1/1/2016), Bộ Tư pháp sẽ rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chuẩn hoá đội ngũ công chức Tư pháp – hộ tịch, hoàn thành việc đào tạo kaij đối với toàn bộ đội ngũ này.

Cũng trong sáng nay, 12/12, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp xây dựng được công bố theo lệnh của Chủ tịch nước.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh nguyên tắc sửa luật theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.

P.Thảo