Bộ Tư pháp ủng hộ quy định "hiến máu là tự nguyện"
(Dân trí) - Dự án Luật về máu và tế bào gốc vừa nhận được ý kiến đồng thuận từ phía Hội đồng tư vấn thẩm định Bộ Tư pháp nhưng được yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện vận động hiến máu, quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu của người...
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, cuộc họp thẩm định dự án Luật về máu và tế bào gốc do bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định chủ trì.
Tại cuộc họp, đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định Bộ Tư pháp đều tán thành về sự cần thiết đề nghị xây dựng Luật về máu và tế bào gốc.
Các thành viên trong hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Y tế - cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự án luật, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để thực hiện vận động hiến máu và tế bào gốc từ người; quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu của người; quản lý, sử dụng tế bào gốc của người; xuất khẩu, nhập khẩu máu, chế phẩm máu và tế bào gốc của người vì lợi ích sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quyền con người; khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với máu và tế bào gốc hiện nay.
Đồng thời cơ quan soạn thảo cần xây dựng luật theo hướng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội, từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác liên quan đến máu và tế bào gốc. Bảo đảm tính dự báo cao trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến máu và tế bào gốc. Các giải pháp đưa ra phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định về từng vấn đề để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng luật, nhằm nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định trình lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, ký ban hành.
Trước đó, báo cáo đánh giá tác động của dự án luật gửi tới Bộ Tư pháp nêu ra hai giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu: Giải pháp thứ nhất, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; Giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định không thể bắt buộc hiến máu vì nó liên quan đến quyền con người. Trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế cũng chưa đề cập gì tới đề xuất công dân bắt buộc hiến máu 1 lần/năm. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. “Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn, quá lãng phí. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này”- ông Quang nói.
Theo ông Quang, việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh và tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, đạt 1,52% dân số hiến máu.
Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.
Ông Quang cho biết, sau khi xem xét về khía cạnh quyền con trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, so sánh với giả định hiến máu bắt buộc tốn kém và nhiều bất cập, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện.
Hiện nay, để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện. Mục tiêu đặt ra sẽ đạt được 2% dân số tham gia hiến máu thì sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân cần máu.
Thế Kha