Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quy định mới nhất về Luật quốc tịch
(Dân trí) - “Đề nghị không thụ lý, không đề xuất giải quyết đối với những hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện thuộc trường hợp đặc biệt để xin trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài”.
Bộ Tư pháp mới đây đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo thực hiện một số công việc để triển khai có hiệu quả Nghị định số 16/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam.
Thu hồi những giấy tờ cấp trái quy định
Trong công văn, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự và các cơ quan liên quan có biện pháp thực hiện tốt quy định tại Điều 35 Nghị định số 16/2020 về việc thu hồi/hủy bỏ giá trị sử dụng của Hộ chiếu Việt Nam đã cấp cho người được thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; thu hồi những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam do cơ quan đại diện cấp trái quy định của pháp luật.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thụ lý các hồ sơ quốc tịch theo đúng thẩm quyền được giao quy định tại Luật quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 16/2020. Trong đó, chú ý việc thụ lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết các việc về quốc tịch theo đúng quy định.
Đối với hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài, đề nghị cơ quan đại diện chỉ thụ lý nếu người yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 23 Luật quốc tịch và Điều 14 của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP. Trong văn bản đề xuất của cơ quan đại diện (về giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài) phải nêu rõ về việc người đó đáp ứng đủ các điều kiện để được coi là trường hợp đặc biệt hay không và có đủ giấy tờ chứng minh.
“Đề nghị không thụ lý, không đề xuất giải quyết đối với những hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện thuộc trường hợp đặc biệt để xin trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài”- Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định số 16/2020/NĐ-CP đến công an cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Chỉ đạo cơ quan công an có thẩm quyền chỉ thực hiện cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho những người là công dân Việt Nam; phối hợp với các cơ quan tư pháp địa phương xác minh, làm rõ về thông tin nhân thân, thông tin hộ tịch trong trường hợp cần thiết.
“Chỉ đạo giải quyết việc đăng ký cư trú, cấp Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cho người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; xóa đăng ký cư trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật”- Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an.
Đối với UBND các địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị lưu ý thực hiện tốt các điểm mới của Nghị định số 16/2020 về việc tổ chức lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch bảo đảm trang trọng, ý nghĩa; thu hồi những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam do Sở Tư pháp cấp trái quy định của pháp luật.
Văn bản đề xuất của UBND tỉnh về việc giải quyết cho nhập, cho trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải xác định rõ người đó có đủ điều kiện thuộc trường hợp đặc biệt hay không, có giấy tờ chứng minh kèm theo. Không thụ lý và đề xuất Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước những hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện để giữ quốc tịch nước ngoài.
Lưu ý 2 điểm mới nổi bật
Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện thống nhất, công văn của Bộ Tư pháp cũng nêu 2 điểm mới nổi bật của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Cụ thể:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 16 quy định: Kể từ ngày quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, nếu những người này vẫn cố tình sử dụng những giấy tờ quy định tại Điều 11 để chứng minh quốc tịch Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Để thực hiện tốt quy định này, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có các biện pháp để xóa đăng ký thường trú, thu hồi hoặc hủy bỏ giá trị của Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân đã cấp cho người đó theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tại Điều 5 của Nghị định số 16/2020 quy định về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Thực hiện quy định này, kể từ ngày 20/3/2020 trên tất cả các giấy tờ có mục ghi “quốc tịch” do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài chỉ được ghi “quốc tịch Việt Nam”; tuyệt đối không ghi thêm quốc tịch nước ngoài của người đó, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam quy định, một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:
- Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
- Giấy chứng minh nhân dân;
- Hộ chiếu Việt Nam;
- Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Thế Kha