Bộ Tư pháp “đau đầu” giải quyết vụ trúng đấu giá hơn 37 tỷ đồng

(Dân trí) - Doanh nghiệp nộp đủ số tiền trúng đấu giá 37,2 tỷ đồng cho Chi cục thi hành án dân sự địa phương nhưng 5 năm qua vẫn chưa lấy được tài sản của mình.

Ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp.
Ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp.

Trong cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho biết cơ quan này đang “đau đầu” giải quyết vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo 17 bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì bà Phạm Thị Hồng (trú tại 357 Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) phải thi hành án với tổng số tiền gần 86,7 tỷ đồng, 68,5 lượng vàng 24K và lãi suất chậm thi hành án, chưa kể các khoản án phí. Do bà Hồng không tự nguyện thi hành, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt đã tiến hành kê biên nhà, đất tại số 357 Phan Đình Phùng và ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Lâm Động bán đấu giá tài sản.

Ngày 20/2/2009, Công ty Phương Trang đã trúng đấu giá và nộp đủ số tiền mua tài sản trên 37,24 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó bà Hồng có đơn khiếu nại việc định giá, bán đấu giá tài sản.

Do còn có nhiều điểm khác nhau về nội dung vụ việc, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để thống nhất giải quyết dứt điểm vụ việc. Ngày 9/10/2014, đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Tư pháp đã làm việc với đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan tại địa phương, thống nhất giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao tài sản cho Công ty Phương Trang. Để đôn đốc và triển khai thi hành giao tài sản đấu giá, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế giao tài sản trước ngày 23/12/2014.

Đến ngày 6/1/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng ra thông báo kết luận số 04 giao “Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo; tham mưu báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất UBND tỉnh xem xét cho ý kiến tổ chức cưỡng chế sau Tết âm lịch”. Ngày 14/2, Bộ Tư pháp tiếp tục có công văn đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho Công ty Phương Trang.

Tuy nhiên đến ngày 20/3/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 1254 gửi Bộ Tư pháp, nội dung cho rằng theo cáo trạng số 35/VKSNDTC-C6 (P4) ngày 27/8/2014 của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao truy tố chấp hành viên Nguyễn Long Vân (chấp hành viên phụ trách hồ sơ vụ việc) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nên việc giao tài sản cần chờ kết quả xét xử của tòa án đối với sai phạm của chấp hành viên.

“Bộ Tư pháp thấy rằng kết quả xét xử đối với sai phạm của chấp hành viên Nguyễn Long Vân không liên quan đến việc giao tài sản cho Công ty Phương Trang đã được liên ngành Trung ương và địa phương thống nhất”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản với lý nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá tài sản theo quy định tại điều 258 Bộ luật dân sự và điều 4 Nghị định số 17/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

“Do vụ việc đã kéo dài, nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội nên Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với địa phương, đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo thống nhất giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định của pháp luật”- ông Dũng cho biết.

Vụ việc kỳ lạ này bắt đầu vào tháng 2/2009, sau khi Công ty Phương Trang đấu giá trúng và nộp tiền mua khối tài sản gồm nhà đất tại nhà số 357 Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt (cây xăng Hồng Hưng) của bà Phạm Thị Hồng bị kê biên phát mãi để thi hành 2 bản án. Việc mua bán cũng coi như đã hoàn tất vì từ cuối tháng 3/2009 bên mua đã trả đủ số tiền trên 37,2 tỷ đồng cho bên bán là Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt và cũng được chính quyền cấp “sổ đỏ” cho khu đất.

Vụ việc kéo dài đến tháng 6/2011 tưởng được giải quyết rốt ráo khi Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc. Tuy nhiên sau khi cơ quan này khởi tố chấp hành viên Nguyễn Long Vân vì cho rằng “ra quyết định trái pháp luật” thì vụ việc bắt đầu dùng dằng từ đó tới nay.

Kha Xuân Lộc