1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Xây dựng: Tiền đâu có nhiều mà “vẽ” dự án lớn!

(Dân trí) - Kết thúc một năm “căng như dây đàn” nhưng cũng mãn nguyện với kết quả hoàn thành 3 dự án luật cùng hệ thống chính sách về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ quan điểm làm một chính khách không ồn ào nhưng quyết liệt đổi mới.

Một năm với nhiều đánh giá là kinh tế chạm đáy khủng hoảng, khó khăn sau cùng cũng đã kết thúc. Có thể khái quát thế nào về hoạt động của ngành Xây dựng trong năm 2013, thưa Bộ trưởng?

Năm 2013 bên cạnh những thuận lợi, khó khăn cũng còn rất nhiều, tác động rất mạnh đến ngành xây dựng. Nhưng sau một năm, tình hình đã sáng sủa hơn và đã nhìn thấy hướng đi rõ ràng phía trước. Đây là năm ngành chúng tôi tập trung cho công tác xây dựng thể chế. Có thể nói chưa bao giờ trong một năm mà Bộ làm tới 3 luật trình Quốc hội, đổi mới rất căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở, đó là luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, năm 2013 Bộ Xây dựng cũng hoàn thành việc soạn thảo những Nghị định rất quan trọng để Chính phủ ban hành như Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị và các thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa Nghị định này; Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội.

Trực tiếp Bộ trưởng điều hành, tham gia công tác làm luật, xây dựng thể chế  mang lại thay đổi gì khác biệt với trước đây?

Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng không chỉ kiểm soát chất lượng để bảo đảm an toàn công trình mà còn nhằm bịt lỗ hổng làm mất vốn nhà nước, trong đó yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Nghị định đặt ra vấn đề tiền kiểm đối với thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước. Khi có quy định này, thay vì trước đây, việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán đều giao cho chủ đầu tư thì giờ, công việc đó phải do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm.

Tính sơ bộ từ tháng 4 đến nay, riêng phần chi phí, mới chỉ 46/63 tỉnh thành phố đã có 3.048 công trình vốn ngân sách nhà nước với tổng số vốn dự toán 27.443 tỷ đồng được kiểm tra từ đầu, cắt giảm được 2.305 tỷ đồng (tương đương 8,4%). Nếu tính mức trung bình 8,4% này thì mỗi năm, trong 200.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách có thể cắt giảm được ít nhất 16.000 tỷ đồng. Khoản này chắc cũng làm được thêm rất nhiều việc khác.

Rồi luật Xây dựng dự kiến được thông qua giữa năm 2014 tới thậm chí còn có yêu cầu thẩm định thiết kế cơ sở để tránh tình trạng công trình chỉ đáng làm 1.000m2 nhưng lại được “tông” lên 2.000m2. Như thế thì dù không có thất thoát cũng là lãng phí lớn.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại diễn đàn Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại diễn đàn Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Nhưng được biết, quan điểm “thắt” trách nhiệm này cũng nhận không ít phản ứng, nghi ngại của các cơ quan chuyên môn cũng như nhà làm chính sách với cảnh báo như vậy là “tự buộc chân mình”. Bộ trưởng có vấp nhiều trong quá trình bảo vệ quan điểm của mình?

Phải rất quyết liệt mới có được Nghị định 15, không phải mọi ý kiến đều đồng thuận từ đầu vì e ngại lại chuyện thủ tục, phiền hà. Nhưng thủ tục là cần thiết, vấn đề là làm sao để thủ tục mà không phiền hà. Tiền của nhà nước phải được kiểm soát ngay từ đầu, quan chức, công chức phải đứng ra gánh trách nhiệm đó chứ không thể giao cho chủ đầu tư, dễ dẫn đến thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn với nhau gây thất thoát.

Tương tự, Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị cũng là lần đầu tiên quan điểm quản lý đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch được đưa ra, để khắc phục được việc đầu tư xây dựng quá với khả năng nguồn lực, quá yêu cầu của sự phát triển dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang, dự án treo, quy hoạch treo. Theo đó, chúng tôi yêu cầu người làm quy hoạch cũng phải có kiến thức về kinh tế, nếu không cứ tùy hứng vẽ ra rồi để đấy vì đất nước còn nghèo, sao có nhiều tiền để đầu tư. Công trình nào được duyệt cũng vẽ vời to lớn, hoành tráng rồi xin tiền nhà nước làm nhưng nguồn vốn ngân sách có hạn nên dự án lại treo, dàn trải, nợ đọng… khó tránh.

Nghị định 188 về phát triển nhà ở xã hội thì là sự cụ thể hóa Chiến lược nhà ở quốc gia. Nghị định đề ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển mạnh loại hình nhà ở xã hội để cải thiện điều kiện ở cho người dân, đặc biệt những người khó khăn về nhà ở, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, trong đó khuyến khích cả người dân tham gia.

Theo tôi, đó là những nhiệm vụ chính mà Bộ trưởng phải làm vì là chính khách, trước hết phải làm chính sách và khi đã có chính sách thì Bộ trưởng phải quyết liệt để chỉ đạo tổ chức thực hiện.  

Nhậm chức đến thời điểm này được 2,5 năm. Thời điểm ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Xây dựng, bối cảnh khó khăn dồn dập tới, từ thị trường bất động sản đóng băng dẫn tới nợ xấu, tồn kho trong lĩnh vực này rất lớn, rất đáng quan ngại. Sau 2,5 năm điều hành, sức nóng của vấn đề có cải thiện? Áp lực của thời điểm nhậm chức so với hiện tại?

Tình hình cho đến hôm nay tôi có thể nói đã cải thiện nhiều lắm rồi. Nhiều người, như chuyên gia nước ngoài đã phát biểu khi đánh giá về bất động sản (BĐS) là đã “hạ cánh mềm”, không vỡ bong bóng như rất nhiều lo ngại 2 năm trước. Hiện thị trường đã đang ấm lên, giao dịch tăng rất nhiều.

Thị trường sáng hơn chứng tỏ các chính sách đưa ra là đúng hướng, đặc biệt là chính sách đặc thù về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với việc thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia. Trong các giải pháp đưa ra có việc cơ cấu lại các dự án, cấu trúc lại các sản phẩm BĐS, thay vì các sản phẩm nhà ở cao cấp thì chuyển sang dự án nhà ở trung bình, nhà ở xã hội, tăng cung nhà ở giá thấp, giảm cung nhà ở giá cao. Những người nói làm như vậy càng làm tăng cung nhà ở trong khi BĐS đang tồn kho lớn là chưa nhìn toàn diện vì chúng ta đang tồn kho hay nói cách khác là thừa nguồn cung nhà cao cấp nhưng lại thiếu nhiều loại hình nhà ở quy mô vừa và nhỏ phù hợp với đại đa số người dân. Như vậy, phải giảm cái thừa, tăng cái thiếu. Cái thiếu chính là nhiều người dân đang thiếu nhà ở và trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng là phải làm nhiều hơn để cải thiện nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo.

Có thể còn góc nhìn khác, nhưng ông vẫn được dư luận đánh giá Bộ trưởng là người không ồn ào, nhưng quyết liệt và đổi mới?

(Cười) Tôi luôn trân trọng những ý kiến góp ý, phản biện, động viên của người dân và báo chí… Có thể việc này việc kia từ mong muốn đến hiện thực còn khoảng cách, song tôi luôn coi khó khăn là cơ hội nhìn rõ tình hình hơn để đổi mới, hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn và phải vì lợi ích chung.

Đợt lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội năm vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng đạt được kết quả thuộc top các thành viên Chính phủ nhận tín nhiệm cao. Cùng với nhiều Bộ trưởng được xem là “chịu va chạm” khác, kết quả này thể hiện tiếng nói ủng hộ cho lựa chọn hành động, quyết đoán, dám làm khó, đụng chạm đến lợi ích của các ngành. Ông cảm nhận thế nào về nhận xét này?

Không hoàn toàn như thế. Tôi xác định, với trách nhiệm của một thành viên Chính phủ, việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chỗ nào bất hợp lý thì phải chỉnh sửa trên quan điểm khoa học, không phải một mình Bộ Xây dựng là có thể làm được. Cần có sự phối hợp của các bộ ngành, từ trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến người dân, tất cả phải đồng lòng. Không thể nói là sợ động chạm đến chỗ này chỗ khác mà không dám làm. Động chạm chỉ là quan niệm thôi còn không ai làm việc được một mình.

Nhưng những việc đó rõ ràng vẫn gây ra những nguy cơ nhãn tiền là có thể mất phiếu chỗ này chỗ kia?

Nếu thế thì cũng phải chịu, phải chấp nhận thôi nhưng tôi tin sau này người ta sẽ hiểu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (thực hiện)