Bộ trưởng Xây dựng: Nhà xưởng, nhà trọ đang biến công nhân trẻ thành… máy
(Dân trí) - Gạt bỏ quan điểm siết quản lý công nhân thuê trọ tại nhà dân, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề, không thể để người phải bỏ tiền thuê nhà lại không có quyền gì trong chỗ ở hợp pháp của mình, hết giờ làm chỉ biết về nhà trọ để ngủ.
Ngày 7/11, Bộ trưởng Xây dựng có chuyến đi thị sát việc đầu tư nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - khu vực có nhà máy lớn của Samsung tại Việt Nam.
Tại khu nhà trọ của bà Trần Thị Thúy (xóm An Bình, xã Yên Bình), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ghi nhận mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo an toàn cho công nhân thuê.
Trên khu đất 300m2, bà Thuý xây 2 dãy nhà 3 tầng với tổng cộng 42 căn phòng, diện tích khoảng 15-16m2/phòng, có khu vệ sinh khép kín.
Cô gái thuê trọ tên Chu Thị Loan (SN 1993, quê ở Tuyên Quang) vừa tan ca làm đêm về đến căn phòng trọ cho biết cô chung phòng với 2 chị em khác. Mới dọn đến ở, căn phòng của 3 nữ công nhân khá giản đơn với 1 chiếc giường đôi cũng đủ chỗ ngủ vì 3 người làm lệch ca nhau. Mức giá tiền thuê nhà tính ra khoảng 350.000 đồng/tháng, với nữ công nhân trẻ là hợp lý, chấp nhận được.
Lương tháng 5,5 triệu đồng, gần như đủ cả 3 bữa đã ăn tại công ty, cô chỉ nấu ăn cùng các chị em tại nhà trọ vào ngày chủ nhật mỗi tuần, chi phí 1 tháng tính ra khoảng 1 triệu đồng, còn giữ lại được 4 – 4,5 triệu đồng gửi về quê cho chồng con.
Đánh giá đây là khu nhà trọ tốt cho công nhân so với nhiều nơi chỉ là nhà cấp 4, mái tôn xập xệ, không đảm bảo nhưng Bộ trưởng Xây dựng vẫn đề nghị thiết kế mẫu nhà với diện tích rộng hơn đôi chút (thêm 1-2m2) để ngoài khu phụ, chỗ ngủ, người thuê trọ thu xếp được một góc phòng rộng rãi, thoáng hơn làm nơi nấu ăn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng hỏi cặn kẽ giá điện, nước cung cấp cho người ở trọ. Bà chủ khu nhà cho biết tiền điện vẫn tính theo giá kinh doanh, dịch vụ với mức 3.000 đồng/kwh, 25.000 đồng tiền nước sinh hoạt/người/tháng. Bà Thuý giải thích, chưa có điện bán trực tiếp đến các phòng trọ, bà vẫn phải kéo đường điện từ gia đình mình ở lô đất gần đó sang. Nước sinh hoạt là nước giếng khoan, bà chủ xác định, dù đã khoan sâu 60m nhưng chính gia đình sử dụng, bà Thuý cũng sợ chất lượng nước không đảm bảo vì vẫn có mùi.
Đại diện lãnh đạo tỉnh nêu thêm yêu cầu chủ nhà trọ phải cam kết giữ an ninh trật tự trong khu vực, quản lý chặt người thuê trọ, tránh để tình trạng công nhân đưa bạn bè đến tụ tập, sinh hoạt thiếu lành mạnh, gây phức tạp tình hình…
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, chỉ cần yêu cầu người đến ở làm thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng để quản lý tại địa phương đúng như quy định của pháp luật nhưng không được quá khắt khe với người thuê nhà.
“Không thể để người dân đến bỏ tiền thuê nhà để ở mà lại thành ra không có quyền gì cả. Mỗi người phải được toàn quyền tự do trong chỗ ở mình đã thuê một cách hợp pháp. Quan điểm chung cũng là làm sao để đảm bảo những nhu cầu cơ bản của công nhân, được đi lại, sinh hoạt, tham gia hoạt động, môi trường cộng đồng… Coi họ như những người ăn nhờ ở đậu là không được” – ông Dũng cương quyết.
Bộ trưởng Xây dựng cũng phân tích thêm, công nhân đều là những thanh niên trẻ, phải tạo điều kiện cho lực lượng lao động này có cuộc sống phù hợp với độ tuổi, không biến mỗi cá nhân thành máy móc, chỉ biết hết giờ làm việc là về ngủ, hôm sau lại vào nhà máy.
Khuyến khích người xây nhà trọ vay tiền gói 30.000 tỷ đồng
Làm việc với lãnh đạo Công ty điện tử Samsung Việt Nam sau đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng ký túc xá cho công nhân.
Sau khi đi vào sản xuất từ tháng 3/2014 đến nay, Samsung đã hoàn thành 9 toà nhà, cung cấp chỗ ở cho 8.000 lao động, sang năm sau, thêm nhiều nhà nữa sẽ được đưa vào khai thác, đảm bảo nơi ở cho thêm 6.000 lao động.
Tại cuộc họp nhanh tại Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Phách cũng thông tin, việc phát triển khu công nghiệp Yên Bình tại huyện Phổ Yên tạo ra vấn đề phát sinh đột biến nhất là yêu cầu về nhà ở cho công nhân lao động. Ông Phách lo ngại, đến giữa năm sau, việc thiếu hụt 20.000 chỗ ở cho công nhân tại đây sẽ gây áp lực chính sách xã hội rất lớn.
Mô hình người dân đầu tư xây nhà kiên cố, đảm bảo để cho công nhân thuê như ở xóm An Bình cũng không nhiều. Chỉ khu vực này, bà con nông dân bị giải toả đất mới có được khoản vốn lớn, có điều kiện để xây dựng nhà như thế, còn hầu hết khu vực lân cận vẫn chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ cho thuê.
Chia sẻ với những thách thức Thái Nguyên phải đối mặt trong cơ hội chuyển đổi đột phá, năng động hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng nhà ở cho công nhân với nguồn vốn vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Xây dựng, chính quyền cần vận động tới từng hộ dân có đất, có chủ trương chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang làm dịch vụ làm hồ sơ để vay tiền đầu tư xây nhà trọ, triệt để không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, thuế VAT… cho những hộ kinh doanh phòng trọ này.
Trở lại vấn đề đảm bảo điều kiện sống cho công nhân thuê trọ, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh thách thức về cơ cấu giới tính trong khu công nghiệp vì đến 80% số lao động tại đây là nữ.
“Chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề này vì nếu không cân bằng được yếu tố giới tính ở đây, hệ quả xã hội phải giải quyết sau này sẽ rất lớn. Chúng tôi đã có những bài học lớn khi còn ở địa phương (Bộ trưởng Xây dựng nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc – PV)” – ông Dũng nhấn mạnh, cần tính ngay việc phần lớn số nữ công nhân hiện nay ít năm tới đều có nhu cầu lập gia đình, có chồng con để lo quỹ nhà không chỉ để cho thuê mà còn để bán cho các gia đình trẻ, đầu tư hạ tầng như trường học, bệnh viện… để phục vụ nhu cầu của lực lượng lao động này.
P.Thảo