Bộ trưởng TN - MT: "Vụ Tiên Lãng là bài học rất sâu sắc"
(Dân trí) - “Việc xảy ra tại Tiên Lãng là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc với những người làm công tác quản lý đất đai chúng tôi. Nhưng không lo sự việc sẽ lan tràn ra nhiều địa phương” – Bộ trưởngTN-MT Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ trưởng Quang phân tích, do việc thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng khi tiến hành.
Mặt khác, khi tiến hành việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, chính quyền cũng chưa kiên quyết, chưa cân bằng giữa lợi ích nhà nước, lợi ích người bị thu hồi đất. Giá đất bồi thường còn thấp. Hiện cũng chưa có quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi. Năng lực của lực lượng thực hiện việc thu hồi đất còn hạn chế…
Nghiên cứu thực tế, CP đã có NĐ 69, sau đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có chuyển biến đáng kể. Vừa qua Bộ tham mưu Chính phủ, khi thực hiện NĐ này, cái được là giải quyết tương đối cơ bản vấn đề người dân đặt ra hiện nay: giá đất, bồi thường, hỗ trợ… Quyền lợi của người có đất bị thu hồi được cải thiện nhiều.
Khi thực hiện 69 cũng có những ý kiến khác nhau ở các địa phương, các thành phố lớn khá đồng tình nhưng các tỉnh xa TƯ có ý kiến khác, như làm cho giá đất tăng lên, ảnh hưởng thu hút đầu tư. Nhưng nhìn chung, NĐ 69 đã giải quyết rất căn bản tình hình hiện nay.
Mâu thuẫn lợi ích người được giao, lợi ích nhà nước và người bị thu bồi là nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến vấn đến vấn đề hiện nay. Tới đây có cơ chế tự thỏa thuận, giữa người dân và người lấy đất tự thỏa thuận với nhau sẽ có giá cao hơn nhà nước đứng ra thu hồi, nhưng chủ yếu là dự án nhỏ.
“Tôi biết thời gian qua ngành có nhiều cố gắng tham mưu giải quyết và đạt nhiều khả quan nhưng việc khiếu kiện vẫn tăng. Tại sao sau khi có kết quả giải quyết, trên 90% người dân vẫn tiếp tục khiếu nại? Làm gì để tham mưu CP giải quyết những điểm nóng đất đai, nhất là những vụ kéo dài thời gian qua”, bà Kim Bé “vặn”.
Ông Quang nêu quan điểm, để xảy ra những vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, Cần Thơ… là rất đáng tiếc. “Việc cụ thể của địa phương nhưng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của mình với tư cách là người thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý của mình tại các địa phương” – Bộ trưởng TN-MT xác nhận và khẳng định, việc giải quyết phải theo hướng làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như người sử dụng đất.
Theo đó, vụ Tiên Lãng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, cả Hải Phòng và Bộ TN-MT đã cùng chủ động phối hợp để giải quyết một số vấn đề, tiếp tục cho ông Vươn và gia đình được thuê đất, sử dụng. Bộ TN-MT cũng có yêu cầu các tỉnh thành cả nước kiểm tra lại việc sử dụng đất ở khu vực bãi bồi ven sông, ven biển
“Việc xảy ra tại đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc với những người làm công tác quản lý đất đai chúng tôi. Nhưng lo ngại sự việc có thể lan ra nhiều địa phương, quan điểm của tôi, đến giờ, mọi việc vẫn bình thường” – Bộ trưởng Quang trấn an.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nối tiếp câu hỏi: “Bộ trưởng trược tiếp đi kiểm tra thanh tra việc sử dụng đất sau những vụ việc này, kết quả ra sao?”.
Ông Quang phân trần, bản thân đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND Hải Phòng 2 lần về việc ở Tiên Lãng. Ông cũng trực tiếp yêu cầu Thứ trưởng xuống Văn Giang để nắm bắt tình hình, giải quyết vụ việc.
Lãng phí đất đai khi thị trường bất động sản đóng băng Chất vấn về vấn đề lãng phí đất đai khi bất động sản tại các khu đô thị để hoang hóa, không triển khai của đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Lê Nam (Thanh Hóa) được chuyển cho Bộ trưởng Xây dựng Trình Đình Dũng. Ông Dũng lý giải, do nhu cầu phát triển kinh tế với mục tiêu 2020 Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp nên qía trình CNH, dịch vụ hóa diễn ra là tất yếu. Việc chuyển dổi đất nông nghiệp sang làm công nghiệp, đô thị, dịch vụ là ko thể tránh khỏi. Tình trạng lãng phí đất đai tại các khu đô thị, Bộ trưởng Dũng xác nhận là bức xúc nhưng “không có chuyện trải thảm đỏ cho doanh nghiệp, trải thảm gai cho nông dân”. “Trải thảm” cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, theo ông Dũng, cũng là để có nguồn lực tái đầu tư cho tam nông. “Việc làm đô thị hiện tại còn tự phát, theo phong trào, dẫn đến lãng phí. Nguyên nhân đầu tiên do quy hoạch chậm, bị động so với quá tình phát triển. Chất lượng quy hoạch thấp so với yêu cầu, thiếu nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm nhiều trong việc này” – Bộ trưởng Dũng xác nhận. Vị tư lệnh ngành hứa thời gian tới sẽ soạn thảo những văn bản pháp luật trình Chính phủ phê duyệt để hướng dẫn thi hành các luật về phát triển đô thị, đảm bảo tiết kiệm nguồn lực đất đai, lợi ích của người dân. Khái quát nội dung trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vãn chưa thấy giải pháp để “phá băng” cho thị trường bất động sản. |
P. Thảo