1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng TN-MT nhận khuyết điểm về sổ đỏ giả từ phôi thật

(Dân trí) - Tại cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân sáng 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nhận khuyết điểm về tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả, gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân.

Bộ trưởng TN-MT nhận khuyết điểm về sổ đỏ giả từ phôi thật
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại buổi đối thoại trực tuyến

Cán bộ nhà đất đi “lùng” mua đất nông nghiệp

Tại cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 6/4, phần lớn các câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang liên quan đến lĩnh vực đất đai với những vấn đề rất “nóng”.

Điển hình là tình trạng một số nơi vẫn còn cán bộ nhà đất đi lùng mua đất nông nghiệp, đất rau xanh của dân rồi sau đó hợp thức hóa số đỏ, bán lại với giá cao gấp hàng chục lần. Trong đó, Hà Nội là nơi điển hình cho việc này.

Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, đây là việc làm trái pháp luật. Các tỉnh, thành, đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý, phải có quy chế, cơ chế kiểm tra giám sát cán bộ mình, xử lý theo đúng pháp luật.

“Việc này có thể thông qua các sở, phòng địa chính, rà lại các sổ đỏ, kiểm tra, gắn với đó là kiểm tra đội ngũ của chúng ta.” – Bộ trưởng gợi ý.

Đặc biệt là đối với tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả đang gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân trong thời gian gần, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chính thức nhận khuyết điểm.

Theo Bộ trưởng, có 2 trường hợp có thể xảy ra đó là phôi thật có seri mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả. Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, cụ thể có nơi làm mất tới 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.

Bộ trưởng TN-MT nhận khuyết điểm về sổ đỏ giả từ phôi thật
Công an Hà Nội đang kiểm đếm số sổ đỏ giả (ảnh Giadinh.net)

Trước hiện tượng này, Bộ TN-MT đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Bộ trưởng cũng đề nghị, người dân nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.

Bỏ giá đất trung ương?

Liên quan đến những lo ngại của người dân đối với tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở tại các dự án hiện nay (chiếm chưa tới 20% ), đại diện Bộ TN-MT, ông Trần Hồng Phi - Cục trưởng Cục đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai lý giải: nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là từ phía đầu tư, từ cơ quan Nhà nước từ người dân.

Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất, nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán xong...

Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động... Một số trường hợp cơ quan chức năng từ chối thủ tục vì một số lý do chưa hợp lệ...

Bản thân người mua nhà đã chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, trên dưới 70%, thông thường, các trường hợp này chưa muốn làm thủ tục, trong đó có lý do ngại làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ…

Chính vì vậy,  tại Chỉ thị 1474/CT-TTg trong tháng 8/2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đề cập các giải pháp. Theo đó, về lâu dài, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh ngay các dự án phát triển nhà ngay trong quá trình thực hiện, xử lý sớm các dự án có sai phạm.

Trước mắt, tập trung thanh tra kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu ai sót về phía chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp giấy chứng nhận cho họ.

Một vấn đề nữa cũng được bạn đọc quan tâm đến đó là giá tiền đền bù quá thấp, gây ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết vấn đề định giá đất là theo khung giá đất được quy định trong nghị định 69.

Trường hợp tính bồi thường đối với mảnh đất thu hồi, nếu giá chênh lệch so với giá thị trường quá nhiều thì được phép tính giá cụ thể.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, tới đây có thể Chính phủ chủ yếu quy định về nguyên tắc, tiêu chí, hướng dẫn kiểm tra thực hiện việc xây dựng giá, và bảng giá trung ương sẽ không còn,  mà địa phương xây dựng bảng giá thì sẽ sát hơn.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu bỏ bảng giá của Trung ương đi, thì những vùng giáp ranh sẽ ra sao, như trường hợp Hà Nội và Vĩnh Phúc trong khi làm đường cao tốc đi Lào Cai. Vấn đề này xử lý như thế nào... Những vấn đề này sẽ bàn cụ thể.

“Quan trọng là sau này sẽ có cơ quan chuyên trách về giá. Hiện chúng ta làm theo kiểu hội đồng gồm các cơ quan như: tài nguyên môi trường, tài chính… Nhưng tới đây sẽ có cơ quan chuyên nghiệp. Khi giải quyết được vấn đề về giá thì theo tôi, các khiếu kiện sẽ giảm.” – Bộ trưởng nói.

Lan Hương  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm