1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thăng ra “tối hậu thư” cho thị trường vận tải

(Dân trí) - “Trong năm nay, nếu hoạt động vận tải không chuyển biến, không tích cực hơn thì các Thứ trưởng cũng không thể được bình xét xếp loại là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đừng để như những năm trước, đọc con số 97,5% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ mà xấu hổ”.

Tổng Tư lệnh của ngành giao thông vận tải (GTVT) - Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh vấn đề trên trong cuộc họp bàn Nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đối với đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không, hôm qua 18/4.

“Cuộc chiến” chống xe quá tải trên đường bộ đang được thực khẩn trương và quyết liệt nhất từ trước đến nay. Bởi thế mà theo ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ hôm triển khai cân tải trọng xe trên đường quốc lộ, các đối tác vận tải của công ty này cho biết vẫn đang ngồi chờ cơ hội để chở quá tải cho được nhiều hàng ít chuyến. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa có động tĩnh gì, chưa có cơ hội để vượt trạm cân. Thấy khó khăn nên đối tác vận tải đang đòi tăng cước phí thì mới chuyển hàng, vì thế công ty muốn chuyển sang đường sắt để không bị tăng chi phí vận tải.

Còn ông Đặng Quang Cường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc - thì tỏ ra khá hài lòng khi đang sử dụng đường thủy để vận tải 85% hàng hóa; chỉ nhờ tới vận chuyển đường bộ từ các vùng nhiên liệu, khi giao hàng thương mại và hàng container.

Trong cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, 5/7 Thứ trưởng của Bộ GTVT dự họp đã có những ý kiến thẳng thắn về năng lực và chất lượng của từng ngành vận tải cũng như sự quá tải nghiêm trọng của đường bộ đang cần khẩn trương tháo gỡ bằng chính các phương thức kết nối, điều tiết các loại hình vận tải.

Xe quá tải tàn phá đường sá, gây ra nhiều bất cập, hệ lụy

Xe quá tải tàn phá đường sá, gây ra nhiều bất cập, hệ lụy

Lãnh đạo các ngành đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đều lần lượt báo cáo tình hình và cho biết năng lực vận tải của ngành mình là dư thừa, sẵn sàng chia tải với đường bộ. Duy chỉ có ngành đường sắt là nêu hết khó khăn nọ đến vướng mắc kia. Các doanh nghiệp và chủ hàng có nhu cầu qua lại với đường sắt cũng phàn nàn không ít về sự bao cấp, độc quyền của ngành này.

Ông Lê Anh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - cho biết, đơn vị này đang dư thừa năng lực cho vận tải nội địa. Hiện hàng hóa vận chuyển theo đường biển từ Bắc vào Nam là 50-60%, từ Nam ra Bắc là 70-80%.

“Các chủ hàng ít có thói quen vận chuyển hàng rời theo đường biển mà dồn vào đường bộ đang quá tải, trong khi đó Vinalines thừa 40% năng lực cho việc này. Vận tải đường bộ chi phí trung bình cao gấp 2-3 lần đường biển, nhưng hạn chế của đường biển là thời gian vận chuyển kéo dài hơn đường bộ nên khách hàng ngại. Giải pháp Vinalines đang hướng tới là sẽ tăng cường công tác quản trị, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành hàng hóa, giảm thời gian vận tải, giảm chi phí trung gian để thu hút khách hàng” - ông Sơn bày tỏ.

“Tối hậu thư”

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải phải ngồi lại với nhau để bàn bạc và đưa ra các phương án chia tải tối ưu nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định các tư tưởng lớn phải ngồi lại với nhau chứ "doanh nghiệp lớn mà tư tưởng nhỏ thì giải quyết cái gì?".

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, bằng mọi cách phải kết nối được các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ, Bộ GTVT sẽ kiên định kiểm soát trọng tải xe nhằm mục đích đưa giá cước vận tải về đúng vị trí của nó, để người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn, để bảo vệ hạ tầng giao thông, chống tiêu cực và làm lành mạnh thị trường vận tải Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết trong năm nay hoạt động vận tải phải chuyển biến
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết trong năm nay hoạt động vận tải phải chuyển biến

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực phải khẩn trương làm việc, chấn chỉnh những hạn chế tồn tại và nâng cao năng lực vận tải bằng những giải pháp hữu hiệu nhất. Rà soát lại thực trạng kết nối vận tải hiện nay để đưa ra cách giải quyết tốt nhất. Từng lĩnh vực, từng đơn vị vận tải phải tăng năng lực, cải cách thủ tục hành chính, chống tiêu cực thì khách hàng vận tải mới tìm đến với mình.

Theo Bộ trưởng, sau vận chuyển trọn gói phải có một người đứng ra chịu trách nhiệm. Để vận tải phát triển thì phải điều tiết chi phí, đưa ra khung giá cước, thậm chí cần nghiên cứu và đưa vào văn bản quy định cự ly bao nhiêu km thì đi đường bộ, đường thủy, đường sắt,… Riêng với đường sắt buộc phải thay đổi, không thể chấp nhận ngành này độc quyền bao cấp khi chỉ ngồi chờ khách hàng đến với mình.

“Phải tổ chức lại vận tải cho khoa học để giảm chi phí nhưng phải đảm bảo khai thác tốt hơn, hiệu quả cao hơn… Đây cũng là căn cứ để bình xét đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không vào cuối năm. Trong năm nay, nếu hoạt động vận tải không chuyển biến, không tích cực hơn thì các Thứ trưởng cũng không thể được bình xét xếp loại là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đừng để như những năm trước, đọc con số 97,5% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ mà xấu hổ, vì ngành GTVT mà đạt được con số đó thì là nhất nước, thậm chí là nhất thế giới” - Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu tất cả các cơ quan của Bộ này phải có hệ thống thông tin đường dây nóng để tiếp thu phản ánh của người dân, của báo chí. Trong năm nay, hoạt động vận tải phải thay đổi để nhân dân nhìn nhận và tin tưởng, phải thể hiện vai trò trách nhiệm của GTVT đối với kinh tế đất nước, chi phí vận tải giảm thì kinh tế mới phát triển được.

Châu Như Quỳnh