1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ trưởng Thăng nói gì về “những đoạn đường đắt nhất hành tinh”?

(Dân trí) - Trước nhận định của đại biểu Ngô Văn Minh về việc suất đầu tư đường cao tốc quá cao, thậm chí có những đoạn đường cao nhất hành tinh, Bộ trưởng Thăng đã đưa ra những kiến giải, nhưng đại biểu vẫn chưa hài lòng khiến "nhiệt" của phiên chất vấn được đẩy lên cao...

Sáng 19/11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có thêm gần 30 phút để trả lời những câu hỏi dang dở trong chiều qua của đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam, Bộ trưởng GTVT trở lại với nhận định của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) là quá cao, thậm chí có những đoạn đường cao nhất hành tinh. Bộ trưởng Thăng cho biết, vấn đề này Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tìm hiểu các nguồn thông tin cả trong nước, nước ngoài để có sự so sánh, đánh giá.

Cụ thể, suất đầu tư trung bình mỗi cây số đường làm ở khu vực vùng núi phía Bắc là 7,4 triệu USD, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mức đầu tư nhỉnh hơn (10,6 triệu USD/km), vùng đồng bằng sông Cửu Long thậm chí giá cao hơn (do phải xử lý mặt bằng, chống lún)… Bộ trưởng Thăng cũng giải thích, không thể so sánh đường cao tốc với quốc lộ, tỉnh lộ.
 
Bộ trưởng GTVT có thêm gần 30 phút để trả lời chất vấn sáng nay.
Bộ trưởng GTVT có thêm gần 30 phút để trả lời chất vấn sáng nay.

Trước đó, chiều qua, Bộ trưởng GTVT cũng đưa ra nhiều con số so sánh, suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam tương đương của Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Nhật Bản có những đường cao tốc mỗi km đường tiền đầu tư lên tới 256 triệu USD.

Ông Thăng thông tin thêm, Việt Nam có dự án suất đầu tư còn thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là 4,19 triệu USD/km; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 6,9 USD triệu/km. Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu USD/km. Sở dĩ suất đầu tư của đường Hà Nội - Hải Phòng cao hơn Nội Bài - Lào Cai, cao hơn Hà Nội - Thái Nguyên là vì dự án sử dụng vốn vay thương mại, riêng lãi suất đã là 3,5 triệu USD/km. Các dự án đi qua nền đất yếu, có nhiều cầu cũng sẽ có suất đầu tư cao. Như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là 25,8 triệu USD/km vì hơn 50km thì có đến 25 km là cầu, trong đó có hai cầu rất lớn là Bình Khánh và Phước Khánh.

Xác định việc so sánh bao giờ cũng là khập khiễng, cần phải xem trên các yếu tố một cách tương đối nhưng ông Thăng cũng khẳng định, báo cáo của Bộ Xây dựng là hoàn toàn khách quan và có thể tin tưởng được.

Tư lệnh ngành GTVT lý giải, một số đường chi phí cao vì giải phóng mặt bằng lớn, vốn không đủ từ đầu, kéo dài, trượt giá tiền dội cao lên, chi phí rà phá bom mìn, đường đi qua khu dân cư, nút giao, cầu vượt, hầm giao dân sinh cực lớn... Con đường HN - Hải Phòng có tới 10 nút giao, tốn 800-1.000 tỷ đồng/nút, 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt...

Nói đến đây, Bộ trưởng Thăng hứa sẽ có báo cáo gửi đại biểu Ngô Văn Minh chi tiết đầu tư các con đường trong nước và trên thế giới.

Không thỏa mãn giải trình của Bộ trưởng, đại biểu Ngô Văn Minh bấm nút phát biểu lại, nhắc đến “con đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội”. Ông đề nghị Bộ GTVT phải rà lại định mức để giảm chi phí làm đường, đồng thời công khai để nhân dân giám sát tại sao con đường như nhau nhưng có đường đắt hơn.

Đại biểu Quảng Nam cũng gắt giọng từ chối nhận báo cáo của Bộ trưởng vì “không có thời gian nghiên cứu”, việc này “chỉ tốn giấy mực của Bộ trưởng”. Ông đề nghị Bộ trưởng Thăng cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông để người dân theo dõi, so sánh.
Bộ trưởng Thăng nói gì về “những đoạn đường đắt nhất hành tinh”?
Đại biểu Ngô Văn Minh: "Không cần Bộ trưởng gửi báo cáo, tôi không có thời gian nghiên cứu, chỉ tốn giấy mực của Bộ trưởng".

Nói thêm về ý kiến này của ông Minh sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đoạn đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu chỉ mấy trăm mét nhưng riêng công tác giải phóng mặt bằng đã ngốn hơn 800 tỷ đồng, bằng 85% tổng mức đầu tư dự án. Chi phí này khiến con đường trở thành đắt đỏ chứ không phải do chi phí đầu tư xây dựng.

“Nhưng dù đắt hay rẻ, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chúng tôi, phải thường xuyên rà soát lại các đơn giá, định mức để có thể sử dụng vốn hiệu quả nhất. Tôi nói sẽ chuyển tài liệu, báo cáo nhưng đại biểu không nghe. Vậy xin đại biểu cung cấp lại số liệu, tài liệu để chúng tôi có điều kiện so sánh, tiếp thu” – ông Thăng nhã nhặn.

Với câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về việc có phải do dự toán sai lãng phí mà công trình giao thông thay đội giá, Bộ trưởng nêu giải pháp để tiết kiệm nhưng việc đó liệu có làm ảnh hưởng chất lượng công trình, người đứng đầu ngành GTVT trấn an, việc cắt giảm được tiền đầu tư là do nhiều biện pháp, không “phạm” vào chất lượng.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Thăng, thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, Bộ GTVT đã rà soát 44 dự án với kinh phí chiết giảm 33.000 tỷ đồng. Rà soát phân kỳ đầu tư với nhiều dự án cũng giúp cắt giảm được 14.000 tỷ đồng.

Ông Thăng dẫn chứng, đường cao tốc Hà Nôi – Lào Cai có thiết kế toàn tuyến với 4 làn xe nhưng do nhận định lưu lượng xe hiện tại chưa đến mức khai thác hết công suất đó nên Bộ quyết định cho giảm một số đoạn chỉ còn 2 làn, phân kỳ để sau này làm tiếp. Đường Quảng Nam – Quảng Ngãi ban đầu cũng được thiết kế cao tốc với tốc độ chạy xe 120km/h nhưng sau xem xét thấy với địa hình khu vực này mà làm thế thì chi phí rất cao và cũng không thật cần thiết nên Bộ đã siết lại, tiết giảm xuống mức thiết kế đường với tốc độ chạy xe 80- 100km/h. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm xuống rất nhiều.

Ngoài ra, trên toàn tuyến Quốc lộ 1A, sau ra soát, Bộ GTVT thấy có một số cây cầu nếu tìm được giải pháp gia cường, sửa chữa để không phải đập đi làm lại thì tiết kiệm rất lớn. Theo đó, Bộ đã quyết định phương thức áp dụng kỹ thuật để xử lý 17 cầu, giảm được 1.500 tỷ đồng. Tổng số tiền tiết kiệm được do áp dụng những thiết kế không hợp lý, áp dụng công nghệ, vật liệu mới cũng tới 11.300 tỷ đồng.
 

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GTVT được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét là thẳng thắn, đem lại kết quả tốt với nhiều cam kết đáng giá. “Mừng vì Bộ trưởng đã đưa ra những lời hứa rất quyết đoán với tinh thần nói là làm, hứa sẽ làm đến cùng như hứa sẽ hoàn thành sớm 2 năm Quốc lộ 1A, cam kết đường sắt trên cao sẽ tuyệt đối an toàn… Đó là cam kết trách nhiệm cao nhất với cử tri” – Chủ tịch Quốc hội phát biểu chốt lại.

 

“So đường hỏng với ô tô phải thu hồi không phải để trốn trách nhiệm”

 

Thông tin thêm về thắc mắc của đại biểu với dự án Quốc lộ 51 vừa hoàn thành đã hư hỏng, xuống cấp nhanh, Bộ trưởng GTVT xác nhận, dự án thực hiện theo phương thức nhà thầu tự thiết kế, thi công, phê duyệt, sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước rất ít. Quá trình thi công dự án theo đó có những vấn đề về chất lượng. Từ dự án này Bộ GTVT đã rút ra nhiều chủ trương quan trọng, đó là việc phải quản lý chặt chẽ những dự án BOT như dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước vì tiền thu phí đường sau này người dân cũng đóng phí trực tiếp cho nhà đầu tư.

 

“Một đồng tiền của người dân cũng cần được quản lý chặt chẽ như tiền ngân sách” – ông Thăng quả quyết.

 

Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu nâng hạn bảo hành công trình lên gấp đôi (từ 2 lên 4 năm). 3 tháng trước khi hết hạn bảo hành, cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện, thấy hạng mục nào có khả năng hỏng trong thời gian ngắn sẽ yêu cầu xử lý ngay.

 

Cam kết cố gắng đảo bảm cao nhất chất lượng công trình nhưng Bộ trưởng GTVT cũng xin đại biểu thông cảm, chia sẻ vì khó tránh khỏi việc một số sự cố nhưng khi đó, chắc chắn có ràng buộc về bảo hành, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.

 

“Đảm bảo tuyệt đối thì khó vì như những hãng xe lớn, tên tuổi của thế giới cũng vẫn có những đợt phải thu hồi hàng triệu xe. So sánh như vậy không phải để chối tránh nhiệm nhưng để các đại biểu thông cảm, chia sẻ. Chúng tôi luôn thực sự cầu thị” - Bộ trưởng Thăng nói.

 

P.Thảo