1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thăng: Làm rõ trách nhiệm dự án đường sắt đội vốn

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan đến Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh làm đội vốn lên hàng trăm triệu USD, phải làm kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm xong trước ngày 15/5.

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định, tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), phối hợp với các Bộ ngành làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án.

Trước đó, Ban Quản lý Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết nguyên nhân phải điều chỉnh dự án và tăng vốn đầu tư vì trong quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh, chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài. Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.


Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn hàng trăm triệu USD

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông "đội vốn" hàng trăm triệu USD

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC) là nhà thầu thi công duy nhất thực hiện của dự án theo quy định về chỉ định thầu với dự án sử dụng vốn ODA và thực hiện thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp.

“Dự án trải qua thời gian khá dài, được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004 và quyết định đầu tư vào tháng 10/2008, cho đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Chi phí dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư đã duyệt năm 2008 là 17%, tương ứng 69,1 triệu USD, tuy nhiên tính toán của chủ đầu tư và Tedi cho thấy giá cả và chế độ chính sách thay đổi nên kinh phí trượt giá cho khối lượng xây lắp phải bổ sung dự tính khoảng 134,1 triệu USD. Dự án là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp nên các đơn vị làm dự án chưa có nhiều kinh nghiệm…” - Ban Quản lý Dự án lý giải.

Một điều đáng nói khác trong dự án này là cả Chủ đầu tư lẫn Tổng thầu đều lần đầu tiên thực hiện hợp đồng EPC nên các điều khoản hợp đồng thống nhất lấy theo mẫu hợp đồng EPC của FIDIC, nhưng việc cụ thể hóa thành các điều khoản chi tiết cho phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của dự án lại chưa được xây dựng đầy đủ, nên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống phức tạp và phải thảo luận kỹ mới thống nhất được.

Các quy định hiện hành của Việt Nam không quy định cụ thể về nội dung quản lý và trách nhiệm của Chủ đầu tư trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật (TKKT), phê duyệt TKKT và thiết kế bảo vệ thi công đối với hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Theo thông lệ quốc tế, tổng thầu EPC chịu trách nhiệm toàn bộ về việc triển khai dự án, Chủ đầu tư chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát về chất lượng và tiến độ. Tuy nhiên, theo quy định quản lý đầu tư xây dựng của Việt Nam, Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng và tiến độ của công trình và phải thực hiện các công việc quản lý chi tiết cho từng hạng mục công việc.

Theo phê duyệt, dự án có12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha, bao gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt tuyến chính đi trên cao, 1,7 km ra/vào khu depot; đường sắt đôi khổ 1,435m, vận tốc thiết kế đạt tối đa 80 km/h, bình quân là 35km/h; thời gian chạy bình quân từ Cát Linh đến Hà Đông là 23,63 phút; sẽ có13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến.

Dự kiến, tháng 1/2015 Bộ GTVT sẽ cho chạy thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông và chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2015.

Châu Như Quỳnh