1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thăng giải đáp băn khoăn “phí chồng phí đường bộ”

(Dân trí) - Khi vừa phải đóng phí sử dụng đường bộ, vừa phải đóng phí khi đi qua các trạm thu phí BOT, nhiều người dân đặt câu hỏi có hay không chuyện “phí chồng phí”? Người đứng đầu ngành GTVT đã trả lời về vấn đề này.

Câu hỏi đầu tiên trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 28/6 tuy không mới song một số người dân vẫn muốn đặt trực diện với Bộ trưởng Thăng, đó là có hay không việc phí chồng phí khi người dân đang vừa phải đóng phí sử dụng đường bộ lại vừa phải đóng phí khi đi qua các trạm thu phí BOT?

Theo quy định của Luật Đường bộ và các văn bản hướng dẫn thì phí bảo trì thu trên đầu phương tiện dùng để bảo trì cho hệ thống đường quốc lộ và đường địa phương được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, còn phí thu qua trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dùng để hoàn vốn và bảo trì toàn bộ phần đường thuộc dự án BOT. Mỗi một loại phí thì có phương thức, nội dung và mục đích sử dụng phí khác nhau do đó không có việc phí chồng phí

Có nghĩa là theo quy định của luật pháp thì mình hoàn toàn có thể thu hai loại phí này?Nhưng người dân vẫn băn khoăn là Quỹ bảo trì đường bộ đã hết hay chưa mà lại phải thu thêm phí bằng các trạm BOT?

Như tôi đã nói, phí thu qua trạm BOT không phải để bù cho phần thiếu của quỹ Bảo trì đường bộ mà để hoàn vốn cho nhà đầu tư, để bảo trì phần đường thuộc dự án BOT. Quỹ Bảo trì đường bộ có nội dung khác, đó là chỉ để bảo trì cho để bảo trì cho hệ thống đường quốc lộ và đường địa phương được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay, quỹ bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện chiếm khoảng 25%. Ngân sách bù mỗi năm khoảng 25%. Như vậy hàng năm quỹ bảo trì vẫn còn thiếu khoảng 50% kinh phí.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện phí chồng phí

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện "phí chồng phí"

Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang xử lý theo hướng bỏ các trạm thu phí có khoảng cách dưới 70km. Tuy nhiên, các trạm cũ chưa dẹp bỏ thì trạm mới đã mọc lên. Xin hỏi Bộ trưởng tại sao lại có tình trạng như vậy?

Trước hết ta phải khẳng định rằng các trạm thu phí phải được đặt theo đúng quy định. Các trạm thu phí trên đường quốc lộ thì phải được sự thoả thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố. Còn đối với các trạm thu phí đặt trên đường địa phương thì do HĐND địa phương đó quyết định. Tuy nhiên, hiện có sự thay đổi chính sách nên một số trạm thu phí trước đây cần phải thay đổi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chúng tôi đang rà soát toàn bộ các trạm thu phí. Theo kết quả sơ bộ, hiện nay trên các tuyến quốc lộ có 45 trạm thu phí đang thu; trong đó có 10 trạm khoảng cách nhỏ hơn 70km. Đối với các trạm này, hướng xử lý triệt để là Nhà nước mua lại và xóa bỏ hoặc dịch chuyển về vị trí hợp lý nếu có thể. Tuy nhiên, để xử vấn đề này cần căn cứ vào các điều khoản trong Hợp đồng và quy định của Luật dân sự, theo đó cần có sự thỏa thuận của 2 bên là nhà nước và nhà đầu tư.

Những phiên chợ Lào Cai tại Hà Nội

Thưa Bộ trưởng, mỗi con đường cao tốc được xây dựng theo hình thức BOT thường tốn nhiều nghìn tỷ đồng nên phí sử dụng đường mà người dân phải đóng là không nhỏ, đơn cử như phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai có thể lên đến hơn 2 triệu đồng. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT có tính được các hiệu quả cụ thể mà các cao tốc này mang lại cho người dân hay không?

Để làm những đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai thì không phải là hàng nghìn tỷ đồng mà là nhiều nghìn tỷ đồng. Mức đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, với bất kỳ dự án nào, khi lập dự án đầu tư, ngoài việc tính toán hiệu quả tài chính, Bộ GTVT đều đánh giá cả về hiệu quả kinh tế - xã hội.

Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Thực tế, khi dự án đưa vào khai thác, thời gian đi từ Hà Nội lên Lào Cai đã rút ngắn còn một nửa. Do rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện, chi phí vận tải giảm tới 30%. Sức khoẻ lái xe tốt hơn. Hành khách đi trên xe tốt hơn. ATGT được đảm bảo, giảm ô nhiễm môi trường. Tóm lại là cả người dân, doanh nghiệp và lái xe đều được hưởng lợi.

Khi chúng tôi tổ chức hội thảo thì tất cả doanh nghiệp, lái xe và các cơ quan đơn vị liên quan đều đánh giá cao hiệu quả mà cao tốc Nội Bài - Lào Cai đem lại. Hiện nay, các xe tải, xe không cần bám sát đường cũ nữa thì đều đi trên đường cao tốc. Đây chính là hiệu quả tuyến đường.

Còn hiệu quả với các địa phương mà con đường đi qua thì sao?

Với các địa phương thì việc có con đường đi qua sẽ rút ngắn cự ly, rút ngắn thời gian về Thủ đô Hà Nội. Như vậy sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, để địa phương có điều kiện mua được các nguyên vật liệu, tiêu thụ nông sản, thực phẩm tốt hơn, nhanh hơn.

Ở Hà Nội bây giờ đã có những phiên chợ Lào Cai hàng ngày. Sáng họ đi từ Lào Cai về Hà Nội bán hàng, chiều quay về và hôm sau lại tiếp tục. Trước đây thì không thể có chuyện này được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Châu Như Quỳnh (ghi)