Bộ trưởng Thăng: Doanh nghiệp phải “chạy chọt” mới được vào... bến xe
(Dân trí) - “Quy hoạch luồng tuyến đã có rồi thì tại sao lại cần phải có ý kiến của 2 Sở GTVT? Doanh nghiệp muốn đưa xe vào bến mà lại phải xin ý kiến nữa là gây khó khăn. Tôi nói thẳng đó là cơ chế “xin - cho” và doanh nghiệp phải chạy chọt mới được vào bến”...
Đó là những “truy vấn” của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đối với lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải (GTVT) về vấn đề quy hoạch luồng tuyến xe khách liên tỉnh và cơ chế quản lý tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp vận tải ngày 20/7.
Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Điện Biên - đã đặt ra nhiều vấn đề bất cập về quản lý điều kiện kinh doanh vận tải hiện hữu và yêu cầu cơ quan Bộ có hướng tháo gỡ.
Ông Mạnh cho rằng, cơ chế quản lý tuyến vận tải khách liên tỉnh theo Thông tư 63 hiện nay thì các doanh nghiệp vận tải khách phải qua “thủ tục” xin ý kiến hoặc có xác nhận của địa phương xe đi qua là không thực tế.
“Xe khách liên tỉnh đương nhiên là đi qua rất nhiều địa phương, nếu phải thực hiện những thủ tục này thì sẽ có rất nhiều phiền hà không cần thiết, thậm chí mỗi địa phương có những điều kiện và thủ tục khác nhau nên mất rất nhiều thời gian chờ đợi thủ tục. Thực tại này đang “tăng cường” những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Theo tôi, chỉ cần thủ tục nơi đi/đến và các địa phương tự làm thủ tục này chứ doanh nghiệp không phải làm” - ông Mạnh nhấn mạnh.
Một vấn đề bất cập khác theo ông Mạnh là công tác quản lý cấp phù hiệu xe, đặc biệt đối với xe tăng cường trong các dịp cao điểm, giải tỏa khách đã là áp lực và bức xúc rồi nhưng các doanh nghiệp lại phải mất 1-2 ngày chạy lên các Sở GTVT để xin cấp phù hiệu, lên tới Sở trình rồi lại chờ đợi Sở có ý kiến rồi mới được nhận phù hiệu mang về để chạy xe tăng cường.
“Tại các thời điểm “nóng” như vậy thì cơ quan Sở phải có giải pháp giải quyết nhanh nhất, ví dụ như bố trí túc trực cùng doanh nghiệp tại bến bãi để thực hiện giải tỏa khách và có sẵn phù hiệu để cấp cho doanh nghiệp chạy xe, chứ không thể ngồi trên sở chờ doanh nghiệp lên xin mới cho” - ông Mạnh bức xúc.
Bộ trưởng Thăng đặt câu hỏi với lãnh đạo các Sở GTVT, tới đây, quy hoạch luồng tuyến đã có rồi thì tại sao lại cần phải có ý kiến của 2 Sở GTVT?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho rằng, tuy đã có quy hoạch vận tải khách liên tỉnh từ Hà Nội đi các địa phương trên cả nước nhưng vẫn cần sự quản lý nhà nước.
Theo ông Linh, cần có sự thống nhất giữa các sở để giám sát hoạt động phương tiện chạy đúng quy hoạch, đúng tuyến hay không. Bởi nếu có nhiều doanh nghiệp cùng vào hoạt động trên một tuyến thì sẽ vượt quy hoạch, vì vậy phải có cơ quan quản lý giám sát làm “trọng tài” để kiểm tra.
Không đồng tình với sự lý giải của Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, Bộ trưởng Thăng tiếp tục truy vấn: "Đã có quy hoạch luồng tuyến tức là đã có sự đồng ý của các Sở GTVT địa phương. Doanh nghiệp chỉ cần báo cáo là chạy bao nhiêu xe, như vậy cần xác nhận chấp thuận của Sở để làm gì nữa?".
“Doanh nghiệp muốn đưa xe vào bến mà lại phải xin ý kiến nữa là gây khó khăn. Tôi nói thẳng đó là cơ chế “xin - cho” và doanh nghiệp phải chạy chọt mới được vào bến” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước ngầm Hà Nôi – bày tỏ: Mục tiêu quy hoạch luồng tuyến của Bộ GTVT là để các Sở không phải xác nhận luồng tuyến nữa. Theo ông Lập, nếu xóa bỏ việc chấp thuận luồng tuyến thì sẽ bỏ cho doanh nghiệp nhiều chi phí, là mong muốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan cần xúc tiến công tác quy hoạch, tính toán công suất bến xe, khi bến xe cho xe vào hoạt động quá công suất thì bến xe phải chịu trách nhiệm.
Chốt lại, Bộ trưởng Thăng khẳng định, khi có quy hoạch tuyến thì nhà nước phải có trách nhiệm công bố quy hoạch, các doanh nghiệp được quyền đăng ký số lượng phương tiện hoạt động, lộ trình hoạt động theo quy hoạch và không cần có xác nhận chấp thuận của các sở giao thông vận tải.
“Các Sở GTVT chỉ làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đăng ký với các Sở về việc khai thác trên tuyến và số lượng xe cụ thể, nếu doanh nghiệp vi phạm thì Sở GTVT có thể xử phạt và cho dừng chạy xe” - Bộ trưởng Thăng cho hay.
“Chờ” kinh nghiệm lái xe… trên giấy! Tại Hội nghị đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng điều kiện bố trí lái xe tham gia xe khách giường nằm theo quy định phải sử dụng lái xe có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cần có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo đó, thay vì để điều kiện chờ 3 năm thì nên chú trọng nâng cao chất lượng, đào tạo, sát hạch và khi có sản phẩm là giấy phép lái xe thì lái xe này đã đủ điều kiện chứ không nhất thiết phải chờ tới 3 năm nữa. Đơn vị vận tải đề xuất thời hạn sau cấp giấy phép lái xe là 6 tháng hoặc 1 năm, cùng với các vấn đề cơ chế khác và xác định số km tích lũy an toàn. “Lái xe là kỹ năng thực hành chứ không phải thời gian có bằng, nếu chỉ căn cứ trên bằng cấp thì có thể có những lái xe nhận bằng rồi không đi lái xe ở đâu mà chỉ chờ đến 3 năm sau để đủ điều kiện, như vậy thì rõ ràng họ không có kinh nghiệm lái xe và cũng dễ xảy ra tai nạn. Nếu không điều chỉnh điều kiện này thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách đối phó” - đại diện Công ty cổ phần ô tô Điện Biên cho hay. |
Châu Như Quỳnh