1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường nói về quy hoạch xây cao ốc tại ga Hà Nội

(Dân trí) - Trước việc Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về quy hoạch xây dựng lại khu vực ga Hà Nội với các công trình cao từ 40-70 tầng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đến thời điểm này “chưa thấy quy hoạch gì khác” ở khu vực ga Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời tại cuộc họp báo chiều 20/9 (Ảnh: Trần Thanh).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời tại cuộc họp báo chiều 20/9 (Ảnh: Trần Thanh).

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9, trả lời câu hỏi của báo chí về việc đã nhận được văn bản xin ý kiến góp ý của UBND TP Hà Nội xung quanh việc quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó ngoài các hạng mục phục vụ cho ngành đường sắt còn có các công trình trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị với các công trình cao từ 40-70 tầng hay chưa và quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh cơ quan này sẽ quan tâm tới góc độ sử dụng đất tại đây.

Theo ông Hà, đến nay “chưa thấy quy hoạch gì khác” tại khu vực ga Hà Nội. Do chưa có quy hoạch đất đai tại đây nên khi được Hà Nội xin ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa vào quy hoạch cụ thể về giao thông, môi trường, đất đai,… để nêu quan điểm.

Trước đó như Dân trí phản ánh, UBND TP Hà Nội đã gửi văn bản số 4417/UBND-ĐT xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Mục tiêu của việc Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận nhằm cụ thể định hướng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Đồ án Quy hoạch khu vực Ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.

Hà Nội đề xuất xây dựng lại khu vực này với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Thành phố Hà Nội cũng nêu rõ việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hóa thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng.

Hiện nay đề xuất của UBND TP Hà Nội đang gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị.

Đồng ý chủ trương đổi đất lấy... 4 cây cầu bắc qua sông Hồng

Trước những băn khoăn xung quanh việc Hà Nội dự kiến thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - khẳng định hình thức đầu tư BT (xây dựng- chuyển giao) rất tốt khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có nhiều hạn chế.

“Qua quá trình triển khai, chúng tôi đánh giá việc đó đóng góp được nhiều cho sự phát triển. Quy định pháp luật hiện nay có vấn đề ở chỗ, ngày hôm nay mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải hòm hòm cho nhà đầu tư biết người ta sẽ được bao nhiêu đất, nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được. Đây là cái đang vướng, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai thì lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá”- ông Chính nói.

Ông Chính khẳng định, nếu tính toán đúng giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được những tồn tại trên để xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì huy động được hình thức BT như thế này sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.

“4 cây cầu sẽ tạo ra vùng phát triển mới. Như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi ở Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”- ông Hà nhìn nhận.

Chưa tiết lộ thông tin thanh tra "đất vàng giá bèo" ở Thanh Hoá

Trả lời PV Dân trí về kết quả thanh tra “đất vàng giá bèo” ở Thanh Hoá, ông Đào Trung Chính cho biết, Tổng cục Quản lý đất đai được giao kiểm tra việc chuyển đổi đất vàng ở Thanh Hoá và đến nay đã báo cáo kết quả tới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ này cũng đã có báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đây đang là quy trình tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chưa có ý kiến nên chưa thể trả lời được.

Thế Kha- Trần Thanh