Bộ trưởng "rút êm" lời hứa do thiếu chế tài xử lý?
(Dân trí) - Theo đánh giá của đại biểu Trương Văn Vở, tuy có một số Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm song do chưa nhìn nhận trúng vấn đề, không đeo bám đến cùng nên vẫn không đạt hiệu quả. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm dẫn đến “nói chưa đi đôi với làm”, và “không làm cũng không sao”.
Bên lề hành lang Quốc hội, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (Đồng Nai) về những vấn đề còn tồn tại của các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc nhận trách nhiệm trước những vấn đề còn tồn tại của các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành trong đợt chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua?
Đúng là một số thành viên Chính phủ, Bộ trưởng có thấy được và nhận trách nhiệm, nhưng do chưa nhìn nhận trúng các vấn đề mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội mong đợi. Khi nhìn nhận chưa trúng vấn đề thì các giải pháp sử dụng trong xử lý vấn đề cũng sẽ không đạt hiệu quả!
Trong đợt chất vấn vừa rồi, cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương đều chưa trả lời được ý tôi muốn hỏi.
Khắc phục bằng xử lý trách nhiệm chính trị
Bây giờ đã là cuối nhiệm kỳ thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt đi đặt lại trên diễn đàn Quốc hội như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, hàng gian, hàng giả hoành hành thì trường…Theo đánh giá của ông, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã tiếp thu như thế nào về những góp ý đã được các đại biểu Quốc hội và cử tri đưa ra trước đó?
Hiện nay Quốc hội không thực hiện giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng cũng như giám sát việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội của Chính phủ, thành viên Chính phủ. Thay vào đó mỗi kỳ họp đều chọn những vấn đề trọng tâm nhất, được cử tri quan tâm nhiều nhất để giám sát chuyên đề, giám sát qua chất vấn trả lời chất vấn, qua đó ban hành Nghị quyết của Chính phủ.
Đánh giá lại hoạt động giám sát, tôi thấy, nói chung về thể chế, từ chủ trương đến chính sách, cơ sở pháp lý đều đầy đủ hết, vấn đề còn lại là tổ chức triển khai thực hiện.
Thời gian vừa qua sở dĩ có hạn chế là trong tổ chức thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu, của Bộ ngành cũng như trách nhiệm của người đứng đầu địa phương thiếu sát sao, thiết đeo bám đến cùng, sự phối hợp không đồng bộ.
Thể hiện ở chỗ: kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, dẫn đến kết quả “nói chưa đi đôi với làm”, và “không làm cũng không sao”.
Cử tri rất quan tâm tới việc, có những Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm rồi nhưng mọi việc vẫn thế, không thay đổi, không tiến triển gì. Để khắc phục vấn đề này, theo ông, trong thời gian tới, công tác của Quốc hội cần thay đổi như thế nào?
Đó là chế tài sau giám sát của Quốc hội. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ được thông qua tại kỳ họp này, trong đó có quy định giải pháp chế tài về trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, không chỉ là của ngành.
Giải quyết một vấn đề, không chỉ phải chỉ có trách nhiệm của bộ ngành ở trung ương mà có cả địa phương nên cùng với Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì còn có Luật Tổ chức Quốc hội (đã ban hành), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ.
Để thực hiện tốt cái này thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật để tổ chức thực hiện cho tốt, nhất là vấn đề phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa Bộ trưởng Bộ ngành trung ương với Chủ tịch UBND các địa phương.
Trên cơ sở đó mới xử lý trách nhiệm chính trị, từ đó thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ theo Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định.
Quan trọng là bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm
Ông có suy nghĩ gì về câu nói “gây bão” của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch: “nhận trách nhiệm và sẽ truyền đạt lại trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp”?
Đúng ra, Bộ trưởng trên cương vị người đứng đầu ngành cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Còn một ngày cũng phải có trách nhiệm với nhiệm vụ chính trị được giao chứ không nên nói như thế!
Tôi rất mong Bộ trưởng suy nghĩ lại. Còn một ngày cũng nên cố gắng để ngồi lại, rà soát lại, đánh giá đúng vấn đề để trên cơ sở đó, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Có một lý do mà tôi nghĩ Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có suy nghĩ truyền đạt lại trách nhiệm cho nhiệm kỳ sau, bởi lẽ sự nghiệp phát triển chiến lược du lịch của Việt Nam đến 2020 đã được giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch nhằm làm chuyển biến tình hình phát triển của du lịch Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Theo đánh giá của cá nhân đại biểu, ông đánh giá cao những sự cố gắng của các Bộ trưởng nào trong nhiệm kỳ qua và còn kỳ vọng vào sự phấn đấu, cố gắng của những Bộ trưởng nào?
Tôi cho rằng, có một bài học kinh nghiệm rất quý mà những người đứng đầu cần phát huy đó là “phải xác định rõ trách nhiệm của mình”. Tức là phải có tinh thần sát sao, bám đến cùng để xử lý những vấn đề phát sinh một cách kịp thời. Làm được như vậy thì sẽ thành công và đạt kết qảu cao.
Tôi lấy ví dụ, vừa qua một số Bộ trưởng trên tinh thần quyết liệt, đeo bám công việc, sát sao kiểm tra, thanh tra để xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời như Bộ trưởng Bộ Giao Thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, luôn phối hợp, gắn với hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội từng địa phương nên kết quả đạt được tốt. Tôi dẫn chứng hai vị tư lệnh ngành đó.
Quan trọng là bản lĩnh, quan điểm xử lý và chịu trách nhiệm về quan điểm xử lý của mình. Đúng – sai rõ ràng, phân minh!
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (thực hiện)