1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Bộ trưởng Nông nghiệp: Phải biết “cay mũi” khi thủy sản nhận thẻ vàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là việc quá xấu hổ, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà mất uy tín.

Ngày 28/2, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố có biển đã họp bàn cách khắc phục triệt để khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) tại hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Bộ trưởng Nông nghiệp: Phải biết “cay mũi” khi thủy sản nhận thẻ vàng - 1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam tại Bình Định.

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu vì chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU.  

Việc này đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt bởi đây là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua).

Đặc biệt, quyết định cảnh báo “thẻ vàng” của EC được công khai trên các website đang làm mất uy tín nghiêm trọng với hải sản Việt Nam. Qua đó làm gia tăng nguy cơ bị Mỹ và những thị trường tiềm năng khác có hành động tương tự.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Phải biết “cay mũi” khi thủy sản nhận thẻ vàng - 2
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng muốn gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam thì các tỉnh có biển phải rất quyết liệt.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện các lô hàng hải sản của Việt Nam xuất sang châu Âu bị giữ lại kiểm tra 100% với thời gian khoảng 3-4 tuần mỗi container. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khoảng 500 Bảng Anh/container, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao sản phẩm.

Sau 2 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã giảm 6,5% và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ 2, thị trường châu Âu đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% trong bản đồ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Vi phạm quá xấu hổ, phải biết “cay mũi” trước thực trạng đánh bắt hải sản không còn phù hợp. Không nên tìm lý do để ngụy biện, hãy dùng trí tuệ, biện pháp khắc phục cho bằng được. Đây không chỉ là làm vì kinh tế, mà còn vì uy tín và danh dự của Việt Nam”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, ngư dân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình hơn nữa, cố gắng tối đa không để tái diễn vi phạm. Nếu thực hiện có vướng mắc, Bộ NN& PTNT sẵn sàng kiến nghị Chính phủ giải quyết, cùng nhau hướng tới nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Phải biết “cay mũi” khi thủy sản nhận thẻ vàng - 3
Một thời cá ngừ đại dương ở Bình Định tìm kiếm thị trường xuất khẩu qua Nhật Bản.

“Người đứng đầu các tỉnh phải cùng xắn tay áo vào cuộc, đưa ra các giải pháp, cơ chế buộc thực hiện thì chẳng việc gì là không thể làm được. Tháng 5/2020 tới đây, EC sang Việt Nam lần thứ 3 và họ sẽ đi bất kỳ tỉnh nào nên mỗi tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, không được chủ quan lơ là”, ông Cường lưu ý.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 1 năm nay, Việt Nam có 13.150 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, có 2.372 tàu có chiều dài trên 24 m (đạt 92 %) và 10.778 tàu từ 15 m đến dưới 24 m (chỉ đạt 37%). Công tác kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm thủy sản còn yếu. Trong công tác theo dõi tàu cá, khả năng của cơ quan chức năng trong việc xác định tàu cá có được khai thác tại vùng biển cho phép hay không còn hạn chế.

Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường Châu Âu…

Doãn Công