1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Nội vụ xin lùi thông qua Luật về Hội

(Dân trí) - Trước rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Luật về Hội, chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo để trình trong kỳ họp sau. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải có một luật tốt về Hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Quochoi.vn)

Chiều 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật về Hội. Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo việc ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng việc lập hội, lợi dụng các hội để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối chính trị, xâm phạm đến an ninh quốc gia cũng như các hoạt động phạm tội khác như rửa tiền, lừa đảo, khủng bố, tài trợ khủng bố… thì cần phải quy định rõ hơn về loại hình hội không đăng ký.

Trong điều lệ hội phải ghi rõ người sáng lập, thành lập, người đại diện cho hội và những người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động vi phạm pháp luật của hội viên trong khuôn khổ nhân danh hội.

“Hội thành lập hoạt động thực tế phải có nguồn gốc, khả năng tài chính. Vì vậy để giải quyết việc lợi dụng danh nghĩa của hội để hoạt động phi pháp như rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố thì cần quy định cụ thể theo hướng, người đại diện của hội phải chịu trách nhiệm, liên đới trách nhiệm và thực hiện khai báo rõ ràng tài sản của hội, nhất là nguồn gốc tài sản đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quy định về thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật” - ông Hải đề xuất.

Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng đồng tình với việc phải quy định rõ các tổ chức, cá nhân lạm dụng hội và hoạt động hội mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, hay nói cách khác là các hội trái phép, bất hợp pháp.

Ông dẫn chứng, hiện nay có gần 100 hội, nhóm núp dưới danh nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ xã hội nghề nghiệp dân chủ, nhân quyền… do các đối tượng chống đối chính trị thành lập để tập hợp các hội viên là những người tiêu cực trong xã hội, tiến hành các hoạt động chống đối, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các hội, nhóm này đều có sự móc nối, hướng lái, chỉ đạo, tiếp nhận tài trợ từ bên ngoài nên công tác đấu tranh gặp khó khăn do chưa có chế tài để xử lý.

“Chúng ta hiện nay yếu vì chúng ta không tạo ra các cộng đồng”

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định, trong lịch sử lập pháp của Việt Nam thì đây là đạo luật được nâng lên đặt xuống nhiều nhất.

“Quyền lập hội đã được nêu lên như nguyện vọng của dân tộc chúng ta. 70 năm trước được đưa vào Hiến pháp và sau đó có mặt trong tất cả các Hiến pháp tiếp theo. 60 năm trước bản sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa quyền lập hội thành một văn bản pháp luật; đến năm 2006 thì lần đầu tiên một dự thảo luật được đưa ra Quốc hội và rồi lại bị xếp lại 10-15 lần soạn thảo. Lần này dự thảo luật được đưa ra trên tinh thần Hiến pháp 2013, sau khi đã soạn thảo được một số bộ luật liên quan đến quyền con người nhưng từ bản dự thảo vào tháng 9 vừa qua đến dự thảo này đã có dung sai, khác biệt rất lớn, khác hoàn toàn những điều thảo luận trước kia”- ông Quốc dẫn giải.

Ông Quốc nhấn mạnh, đứng trước một đạo luật khó như thế này nhưng “chúng ta vẫn ở trong tâm thế bất ổn”, băn khoăn giữa việc làm luật để phát triển hay giữ sự an toàn.

“Rõ ràng làm luật để làm cho quyền lập hội của con người được đi vào cuộc sống, còn giữ cho sự an toàn đất nước thì chúng ta có cả hệ thống luật pháp. Thế nên phải đặt ra quan điểm xây dựng luật như thế nào? An toàn là cần thiết, nhưng phải nhìn thấy quyền lập hội của con người chứ. Chúng ta bị sa lầy vào đây, nhiều yếu tố là về thủ tục, mà thủ tục thì có thể điều chỉnh ở chỗ khác. Nên nhìn nhận vấn đề cơ bản thôi” - ông Quốc nói và đánh giá 100 hội “nằm trong sổ đen” so với tổng số 60.000 hội đang hoạt động là con số quá nhỏ bé, đã có những luật khác điều chỉnh.

Vị đại biểu là nhà sử học đề nghị chỉ nên tập trung vào những điều cơ bản nhất, nhằm thực hiện quyền con người, quyền lập hội.

“Tổ tiên chúng ta dựa chủ yếu vào quan hệ hội hè làng xã, nhà nước đâu có can thiệp. Khi chúng ta tiến hành cách mạng thì các tổ chức đầu tiên đều lấy tên là Hội hết. Chữ hội có ý nghĩa tập hợp nhau lại, là một cộng đồng. Chúng ta hiện nay yếu vì chúng ta không tạo ra các cộng đồng. Luật phải tạo ra cộng đồng, hướng tới những điều tích cực. Luật này phải trên quan điểm như thế, chứ cứ nhìn đảm bảo an ninh thì không được. Luật này sớm ra thì tốt nhưng chắc kỳ họp này chưa ban hành được đâu” - ông Quốc thẳng thắn.

Đánh giá các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều xác đáng và đúng thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu để báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. Dự thảo luật có 33 điều thì có tới 32 điều nhận được ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

“Ban soạn thảo xin ghi nhận thêm các ý kiến phát biểu của các đại biểu chưa có đăng ký phát biểu tại hội trường. Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo trình trong kỳ họp sau” - ông Tân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thừa nhận, đây là dự án luật quan trọng, rất khó nên nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và các đại biểu. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp tới đây với tinh thần phải chuẩn bị có một luật tốt về hội, bảo đảm quyền lập hội của nhân dân và yêu cầu quản lý nhà nước” - ông Lưu kết thúc phiên thảo luận.

Thế Kha