1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng KH-ĐT: Thẩm định chặt dự án được bổ sung vốn

(Dân trí) - Báo cáo việc thực hiện lời hứa sau chất vấn tại kỳ họp đầu năm của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh vừa cho biết những công việc đã được “thúc” triển khai suốt thời gian qua để từng bước giải quyết những nội dung đã hứa.

Cụ thể, về việc hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay, tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều đã thành lập được Ban chỉ đạo tái cơ cấu do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban để triển khai Chỉ thị số 11 (ban hành tháng 9/2013) xác định 58 nhiệm vụ cụ thể ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2015.

Về tái cơ cấu đầu tư công, trước hết, để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án có sử dụng nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách TƯ đều được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính thẩm định, thực hiện nghiêm túc để không triển khai quá số vốn kế hoạch được giao. Ngân sách sẽ không bố trí cho phần vốn tăng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Đối tới đầu tư trung hạn, Bộ thống nhất cơ cấu lại theo hướng chỉ duyệt dự án thực hiện các mục tiêu phát triển đã được nghị quyết Đảng, Quốc hội đề ra theo kế hoạch 5 năm. Cách này vừa đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch vừa tạo điều kiện cho các cấp chủ động trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện.
 
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn trước QH tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013).
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn trước QH tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013).

Một điểm được báo cáo như kết quả đạt được của Bộ KH-ĐT đến từ bối cảnh nguồn cung vốn vay ODA tiếp tục suy giảm, tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước tiếp nhận viện trợ. Vốn ODA theo nguyên tắc, được ưu tiên cho các nước kém phát triển nên lượng vốn dành cho các nước ở vào ngưỡng thu nhập trung bình như Việt Nam cũng giảm đáng kể. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định đây thực sự là thách thức lớn.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt trong công tác vận động tài trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai dự án đầu tư nên Việt Nam vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng tài trợ quốc tế. Vốn ODA giải ngân thời gian qua liên tục tăng cao.

Tổng vốn OAD và vốn vay ưu đãi ký kết 9 tháng đầu năm 2013 đạt gần 4.600 triệu USD, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn giải ngân được đến thời điểm này đạt 3,13 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ 2012. Ước thực hiện cả năm 2013 số vốn ký kết sẽ đạt 7 tỷ USD, tăng 19,3% là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân vốn dự kiến đạt 4,5 tỷ USD, trong đó có 470 triệu USD thực hiện thông qua các khoản giải ngân nhanh như chương trình phát triển chính sách biến đổi khí hậu (nguồn từ Nhật Bản 150 triệu USD, Ngân hàng thế giới 70 triệu USD), chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (nguồn từ Ngân hàng thế giới 259 triệu USD).

Về cải cách DNNN, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, trong phiên họp Chính phủ tháng 8, Bộ đã trình đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN.

Đầu tháng 9, Bộ cũng trình dự thảo nghị định về việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể Cty TNHH một thành viên, dự thảo nghị định quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DN, quy định điều lệ mẫu của Tcty nhà nước, DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ…

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh báo cáo thêm hoạt động tham gia thẩm định, cho ý kiến các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, TCTy. Đến nay, đa số các đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vấn đề phòng chống tham nhũng, 9 tháng đầu năm, người đứng đầu Bộ đã chỉ đạo tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển bằng nguồn vốn nhà nước giai đoạn 2009 – 2011, kiểm tra tại 6 tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Tiền Giang, Đồng Nai, Yên Bái. Hiện 5 kết luận đã được trình Bộ trưởng yêu cầu các đối tượng thanh tra xuất toán, thu hồi và giảm trừ thanh quyết toán gần 11,3 tỷ đồng.

Thanh tra các Sở KH-ĐT cũng đã tiến hành 185/276 cuộc thanh tra về đầu tư công. Các kết luận thanh tra đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, chấn chỉnh khắc phục sai sót trong quản lý, điều hành sử dụng vốn đầu tư phát triển.
 
Trong 7 tháng đầu năm, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 3 vùng: Trung dư và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Thời gian tới, Bộ trưởng KH-ĐT sẽ tập trung công bố tổng thể quy hoạch 3 vùng này.
 
Bộ đã tổ chức thẩm định quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tổng thể phát triển hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – TPHCM – Mộc Bài. Bộ cũng đang hoàn thiện hồ so để trình Thủ tướng phê duyệt nội dung này vào cuối năm 2013.
 
P.Thảo