Bộ trưởng GTVT: "Tôi đo gang tay cũng phạt được xe quá tải"
(Dân trí) - “Nếu tôi là công an, tôi đo gang tay cũng có thể phạt được xe vi phạm. Các anh đừng làm phức tạp chuyện này lên...”, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ quan điểm khi đối chất với Cục trưởng Cục CSGT về căn cứ xử phạt xe quá tải.
“Biến dạng” xe sau đăng kiểm để… chở quá tải (!)
Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chiều 30/11, vấn đề xe quá tải tái diễn do một số địa phương “lơi tay” và vi phạm xe quá tải ngày càng tinh vi. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp cần thiết là phải tăng cường xử phạt mạnh tay hơn nữa để dẹp “vấn nạn” này.
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: Lúc xe đưa đi đăng kiểm thì rất đẹp, nhưng ra khỏi trạm đăng kiểm ra đường là có vấn đề, chủ xe thay toàn bộ từ thùng tới logo. Tờ kiểm định xe đã có hình ảnh nhưng ra đường chạy xe lại là hình ảnh khác. Đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát.
“Xe đưa vào đăng kiểm là có ảnh chụp, vì thế khi kiểm tra xe trên đường chỉ cần lấy ảnh đối chiếu là ra ngay vi phạm và xử phạt. Nếu theo Nghị định 46 mà xử phạt đầy đủ các hành vi về tải trọng phương tiện và trật tự an toàn giao thông thì không xe nào dám vi phạm nữa” - Thứ trưởng Thọ cho hay.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - lý giải: “Khi quay phim, chụp ảnh thì những thiết bị này đều phải được kiểm định rồi mới được sử dụng. Để xác lập biên bản vi phạm và sử dụng hình ảnh làm chứng cứ thì thiết bị ghi lại hình ảnh đó phải được kiểm định”.
Lúc này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm, trong giấy đăng kiểm cấp có chứng nhận đăng kiểm kèm theo hình ảnh xe khi đăng kiểm, khi bắt giữa xe thì chỉ cần đối chiếu hình ảnh khác nhau nhìn là ra vi phạm ngay và xử phạt.
Trước ý kiến của Bộ trưởng, ông Trần Sơn Hà phân bua: “Đó là mình nhìn và mình nói với nhau như thế, nhưng khi xác lập biên bản và một hành vi vi phạm lý thì cần phải cân đong đo đếm, phải kiểm định lại thiết bị chụp ảnh”.
“Tôi không nghĩ làm gì tới mức người làm công quyền mà nhìn một hai cái ảnh lại không xác định được để xử phạt” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh. Nhưng, Cục trưởng CSGT cho rằng “phải căn cứ vào Luật, chứ không thể bảo trông nó giống nhau hay khác nhau”.
Nếu Bộ trưởng là công an?
Với sự giải thích có phần khó hiểu của ông Trần Sơn Hà về vấn đề rất đơn giản được đặt ra, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng: "Vấn đề là nếu chỉ có anh và họ thì mới bảo không được, nhưng có người thứ 3 chứng kiến thì không vấn đề gì cả".
“Tôi nghĩ các anh không thể máy móc kiểu đó được. Thậm chí, nếu tôi là công an phạt, tôi đo gang tay cũng có thể phạt được xe vi phạm. Các anh đừng làm phức tạp chuyện này lên. Một cái ô tô khi đăng kiểm đã có ảnh chụp rất cẩn thận để làm bằng chứng, có lẽ chỉ Việt Nam mới phải có ảnh như vậy. Khi có ảnh và chứng nhận đăng kiểm thùng xe kích thước 50cm, nhưng thực tế chủ xe cơi nới lên 1m, việc này đối chiếu hình ảnh là có thể xử lý được ngay tại hiện trường. Việc sử dụng hình ảnh đăng kiểm khác với việc dùng hình ảnh ghi lại trên đường” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Tới đây, Cục trưởng Trần Sơn Hà tiếp tục phân bua: Dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nhưng việc kiểm tra chỉ thông qua 4 loại giấy tờ, cũng không phải chỗ nào cũng dừng xe được, sẽ gây ùn tắc giao thông, chưa kể dừng xe lung tung báo chí lại la lên.
Bộ trưởng GTVT đáp lại: "Sao anh lại giở luật lúc nào là lúc anh thổi còi? Ở đây là chuyện khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm và thổi còi yêu cầu dừng xe, lúc này đề nghị kết hợp xử lý vi phạm quá khổ quá tải tại chỗ căn cứ theo hình ảnh đăng kiểm, chỉ như vậy thôi".
Dù hết thời gian của cuộc họp, nhưng việc thống nhất sử dụng hình ảnh đăng kiểm để xử lý xe vi phạm quá tải trên đường vẫn không được lãnh đạo 2 đơn vị thống nhất, Cục trưởng Cục CSGT Trần Sơn Hà nói bâng quơ: “Các anh ra đường mới thấy nó phức tạp thế nào chứ không đơn giản như ngồi đây đâu”, còn Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thì… thở dài!
Châu Như Quỳnh