Bộ trưởng GTVT đặt mục tiêu hoàn thiện 729 km cao tốc Bắc Nam vào năm 2025
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 phải khởi công toàn bộ các gói thầu của 729 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2025 hoàn thành toàn bộ dự án.
Chiều 10/1, cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, đoàn Quốc hội Hà Nội đã dành phân nửa thời gian được phát biểu để chứng minh cho sự cần thiết của dự án.
"Những năm qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện về năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng còn chưa cao, theo xếp hạng của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, nguyên do chính là yếu kém về kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng", đại biểu Lộc nói.
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ, chỉ số kết nối đường bộ lần lượt đứng thứ 103 - 104/141 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là những chỉ số có thứ hạng thấp nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Theo chỉ số đó, Việt Nam đứng ở nhóm 1/3 nền kinh tế có chất lượng giao thông đường bộ kém nhất thế giới. Hệ quả là chi phí logistics cao, đang chiếm khoảng 20% GDP, cao gấp đôi so với các nước đang phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu tới 14-15%... làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ là mũi đột phá quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu.
Phân tích chi tiết này, ông Lộc đề nghị cần đầu tư dự án, và đồng ý với Chính phủ về việc sử dụng đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ dự án, hỗ trợ tốc độ phục hồi kinh tế.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (phó Hiệu trưởng Trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), việc Nhà nước bỏ tiền đầu tư dự án rồi nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cũng gây băn khoăn khi hiện nay chưa có cơ chế để thực hiện. Hơn nữa, nếu có thu thì trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ đồng, cũng không thể bù lại khoản Nhà nước bỏ ra.
Do đó, ông Cường đề nghị cân nhắc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bằng cách tách dự án thành phần GPMB, không tính vào dự án đầu tư. Tiền dành cho dự án thành phần này chuyển sang ngân hàng cho nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn thực hiện PPP và đương nhiên doanh nghiệp sẽ hoàn trả.
"Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí", ông Hoàng Văn Cường cho hay.
Cùng vấn đề trên nhưng theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trong thế khó hiện nay khi nhà đầu tư khó huy động vốn, dự án cần làm nhanh thì việc đầu tư công là có cơ sở.
"Nhượng quyền thu phí, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay", ông Hòa kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đơn vị này sẽ "mở băng" xem xét đầy đủ ý kiến của các đại biểu.
Đề cập đến suất đầu tư của dự án, ông Thể cho biết, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng là đã dựa trên chi tiết tính toán đến từng cây cầu, cái cống trên 729 km cao tốc.
Tuy nhiên, theo ông Thể, suất đầu tư đã tính song để tiến tới chỉ định thầu còn nhiều khâu, thiết kế kỹ thuật, dự toán. Trong quá trình làm sẽ hết sức thận trọng để làm sao tiết kiệm nhất.
Trước băn khoăn của các đại biểu về việc thất thoát trong quá trình thi công dự án, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, lực lượng công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia ngay từ đầu. Cho nên dự án sẽ được công khai, minh bạch, xét tuyển chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đã nằm trong quy hoạch và được phê duyệt. Cụ thể, diện tích để làm đường được thu hồi một lần, không phải giải phóng mặt bằng nhiều lần. Theo đó, các đơn vị sẽ tập trung đến cuối năm 2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án.
Đề cập đến tiến độ dự án, ông Thể cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu. "Chúng tôi cố gắng hoàn thiện 729 km đường cao tốc này vào năm 2025", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.
Quang Phong