1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ trưởng GTVT cũng thấm thía “con đường đau khổ”

(Dân trí) - “Những con đường đau khổ” của thực tiễn đã trở thành chủ đề chính trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải, Hồ Nghĩa Dũng. Hàng loạt câu hỏi nóng bỏng đã được nêu lên và cả người hỏi, người trả lời đều “thừa nhận” mình đang nếm “đau khổ”…

“Tôi vẫn hàng tuần đi trên con đường 'khổ'”

Đại biểu Chu Sơn Hà của Hà Nội đặt vấn đề về tiến độ “rùa bò” của Quốc lộ 32 (Hà Nội - Sơn Tây) gây nhiều thiệt  hại cho người dân và nêu câu hỏi về hướng giải pháp sắp tới của Bộ GTVT đối với con đường này.

“Đây là nhức nhối, trăn trở của chúng tôi”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chia sẻ. Theo ông Dũng, công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn tất từ lâu, nhưng mặt bằng chưa có do khó khăn trong việc giải phóng một số hạ tầng kĩ thuật và nhiều hộ dân trên tuyến đường.
 
Bộ trưởng GTVT cũng thấm thía “con đường đau khổ” - 1
Hễ mưa, đường 32 lại mênh mông nước (Ảnh: Châu Như Quỳnh)

Ban đầu Bộ dự định đợi có mặt bằng sạch sẽ khởi công, nhưng sau 6 tháng chờ đợi, Bộ đã quyết định khởi công để “thúc ép” tiến độ. Quan điểm thực hiện là có mặt bằng đến đâu làm đến đó, theo kiểu xôi đỗ, nhưng đến nay vẫn chưa được bao nhiêu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo giao tất cả cho Hà Nội kể cả chủ đầu tư của phần xây dựng, kể cả giải phóng mặt bằng và Bộ sẽ bàn với Hà Nội để bàn giao trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, ông Dũng dự báo, dự án này còn chậm nếu không có mặt bằng sạch. Với trường hợp có mặt bằng, nhà thi công hứa đảm bảo 6 tháng sẽ bàn giao toàn bộ dự án.
 
“Báo chí gọi đường 32 là con đường đau khổ và bản thân tôi cũng chứng kiến, những xe chở hàng, những xe chở trứng gà đổ rất thương tâm trên con đường này”, đại biểu Nguyễn Thị Hoa bắt tiếp vào vấn đề.
 
Bà Hoa “đòi hỏi” từ Bộ trưởng sáng kiến để cải tạo con đường này để có thể đi lại tạm thời trong thời gian chờ đợi thi công, đồng thời đề nghị người đứng đầu ngành “đi thử” trên con đường để chia sẻ với người dân.
 
Bộ trưởng GTVT cũng thấm thía “con đường đau khổ” - 2
Bộ trưởng Dũng: "Đường 32 là nhức nhối của chúng tôi"

Ông Dũng thừa nhận, trong giai đoạn dự án đang ngưng trệ, đường để đảm bảo giao thông chưa tốt. Tình trạng ổ voi, ổ gà… tác động đến đời sống nhân dân là thực tế.

“Báo cáo đại biểu là không phải mời tôi đi đường này đâu, tôi vẫn đi hàng tháng hàng tuần từ cầu Phùng đến đây và chúng tôi cũng thấm thía nỗi khổ đi trên con đường này”, ông Dũng phân trần.

Chính phủ phê duyệt, Bộ điều chỉnh!

Về một con đường “đau khổ” khác, đường vành đai 3, đại biểu Chu Sơn Hà đặt vấn đề, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải giải quyết khiếu nại của người dân và hỏi Bộ trưởng về tiến độ của việc này.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết “bồi” thêm, đường vành đai 3 đang được triển khai không đúng với qui hoạch của Thủ tướng phê duyệt. “Tại sao sau 8 năm, Bộ Giao thông Vận tải lại quyết định điều chỉnh và sau 6 tháng mới cho dân biết?”, ông Thuyết hỏi.

Bộ trưởng Dũng lí giải, qui hoạch nút giao Thanh Xuân, Chính phủ phê duyệt từ 2001, nhưng sau đó chưa được thực hiện và phải đến 2006 mới khởi động lại. Lúc đó, mức độ giao thông đã thay đổi, “nhìn nhận” về qui hoạch cũng thay đổi nên qui hoạch, các giải pháp thiết kế không thể đảm bảo như phê duyệt của Thủ tướng 2001 mà phải có điều chỉnh.

Theo ông Dũng, quyền điều chỉnh của Bộ được thể hiện ngay từ quyết định đầu tư ban đầu và sau này Chính phủ đã ủy nhiệm giao cho Bộ điều chỉnh thiết kế và chịu trách nhiệm về nút giao. Ông Dũng mở rộng, hiện nay Chính phủ chỉ giao chủ trương đầu tư còn cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư có toàn quyền!

Hướng thay đổi tại nút giao Thanh Xuân dựa vào thực tế mới, nhưng do chưa có được sự thống nhất giữa hai bên nên Bộ đã tổ chức thanh tra tại nút này. Trước khi kết luận chính thức, Bộ sẽ mời Thanh tra Chính phủ phúc tra. “Nếu Bộ sai, Bộ sẽ sửa, còn nếu bộ đúng, các cơ quan nhà nước phải khẳng định để có thể thực hiện”, ông Dũng bày tỏ.

Về tài liệu, theo ông những gì người dân yêu cầu và được phép cung cấp, bộ đã thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết “bẻ lại”, người dân được tiếp cận quyết định điều chỉnh vào lúc 15h ngày 4/8/2009 (tức sau 6 tháng). Ông Thuyết cũng lí giải, sở dĩ ông chất vấn về vấn đề này là do hiện nay có tình trạng khi triển khai dự án thì làm sai với qui hoạch ban đầu.

Vị đại biểu này tiếp tục tung ra hàng loạt câu hỏi: “Năm 2009 mới có quyết định điều chỉnh, nhưng năm 2006 đã khởi động lại, vậy việc điều chỉnh trên thực địa có đúng không? Bộ trưởng nói chủ đầu tư được quyền điều chỉnh, tôi xin hỏi điều này được qui định ở điều nào, luật nào vì tôi đọc Luật Xây dựng, người có thẩm quyền phê duyệt phải là người cho phép điều chỉnh?”

Bộ trưởng Dũng vội “chữa” rằng, ông không nói chủ đầu tư được quyết định thay đổi thiết kế. Về trách nhiệm của bộ, trong quyết định đầu tư, Chính phủ đã cho phép Bộ thực hiện một số nội dung, trong đó có điều chỉnh thiết kế, qui hoạch.

Việc chỉnh được khởi động lại từ 2006 và đến nay có nhiều lần điều chỉnh. Ông Dũng khẳng định  không chỉ 2009 mà từ 2008 đã công bố các điều chỉnh qui họach và việc điều chỉnh vẫn còn tiếp tục.

Với câu hỏi bị bỏ quên của đại biểu Thuyết lúc ban đầu là tổng mức đầu tư của nút thay đổi bao nhiêu so với ban đầu, người đứng đầu ngành giao thông khẳng định là có tăng lên, nhưng ông chưa nắm được con số chính xác…

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm