1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Con đường “khổ” giữa lòng Thủ đô

(Dân trí) - Dự án nâng cấp, cải tạo đường Đông Tác chính thức khởi công đã hơn nửa năm nay nhưng đến giờ, người dân vẫn phải ngày ngày đi trên một con đường quanh co, lầy lội, lúc nào cũng đông kín người đi chợ.

 
Con đường “khổ” giữa lòng Thủ đô - 1
Khắp con đường đâu đâu cũng ken kín các sạp hàng.
 
Đi trên con đường này, người ta có cảm giác như đang đi trên miền núi. Đường đã bé, lại quanh co, gạch đá lổn nhổn. Đường Đông Tác chỉ dài hơn 400 mét, nối từ phố Lương Định Của đến ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Chùa Bộc (thuộc phường Kim Liên và phường Trung Tự, quận Đống Đa). Đây được coi là con đường huyết mạch giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực này.
 
Tuy nhiên, con đường này luôn ở trong tình trạng đông đúc, chật chội. Trên đường có một khu chợ dân sinh tồn tại từ lâu, cung ứng thực phẩm cho dân cư trong khu vực này. Hai bên đường san sát các hàng bán thức ăn chế biến sẵn và cả thực phẩm tươi sống. Bàn ghế bày hàng hóa kê la liệt ngay dưới lòng đường, khách đến mua dừng đỗ xe tùy tiện, thường xuyên gây cảnh ách tắc giao thông, nhất là vào cuối giờ chiều.
 
Trước tình trạng đó, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo đường Đông Tác, chủ đầu tư là UBND quận Đống Đa, giao cho Ban quản lý dự án của quận thực hiện trên nguồn vốn của thành phố.
 
Qua rất nhiều lần nhân dân tranh luận về dự án, cuối cùng, ngày 29/10/2008, dự án cũng chính thức được khởi công với nguồn vốn đầu tư lên đến 46 tỷ đồng. Khi ấy, các cơ quan chức năng dự kiến đến đầu quý I năm nay là có thể thông xe con đường này.
 
Con đường “khổ” giữa lòng Thủ đô - 2
Cầu Đông Tác luôn chật cứng hàng hoá và phế thải xây dựng.
 
Song cho đến tận bây giờ, người dân ở đây có cảm giác như dự án đang “giậm chân tại chỗ”. Cả tuyến đường dài hơn 400 mét nhưng phần lòng đường mới hoàn thành được chừng 50 mét. Các hàng bán thực phẩm vẫn bày bán tràn lan khiến người đi đường phải lách trên con đường đầy gạch đá lổn nhổn, quanh co, chỗ rào chỗ chắn lung tung.
 
Nước thải từ các hàng chảy thẳng ra đường do chưa có hệ thống thoát nước. Trời nắng, nước bốc mùi nồng nặc. Trời mưa, con đường này không khác gì một cái ao, nước thải hoà lẫn nước mưa bắn vào người đi đường. Đầu phố nơi nối với phố Lương Định Của, rác thải vứt bừa bãi. Đây là nơi tập kết của các xe rác chờ chuyển đi, luôn bốc mùi rất khó chịu.
 
Đầu cầu Đông Tác, các hàng hoa quả rong luôn tụ tập đông kín. Đêm về, các xe chở phế thải xây dựng đem gạch ngói, đất cát về đây “tập kết” đầy ắp hai bên thành cầu, dù ngay đầu cầu có trưng một cái biển rất lớn cấm đổ phế thải, nếu có nhu cầu thì chuyển đến điểm tập kết miễn phí cách đó không xa.
 
Con đường “khổ” giữa lòng Thủ đô - 3
Trời nóng, người dân bị "hành" bởi mùi rác thải.
 
Bác Nguyễn Phú Biếu, tổ trưởng tổ dân phố B24 bức xúc: “Cứ khoảng chục ngày là lại kín cả cầu. Chúng tôi nhiều lần bắt quả tang và nhắc nhở những người đổ trộm này song đâu lại vào đó. Buổi sáng, các hàng bày bán sành sứ trên cầu dọn chỗ ngồi lại xúc gạch đất đổ thẳng xuống sông. Cứ thế này chẳng mấy mà lấp mất sông.”
 
Trao đổi với PV Dân trí về tiến độ thi công đoạn đường này, anh Bùi Huy Đức, chuyên viên BQL dự án quận Đống Đa, người trực tiếp quản lý dự án trên cho biết, từ khi dự án được phê duyệt BQL đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng. Việc giải tán khu chợ dân sinh tồn tại từ lâu nay khiến BQL mất rất nhiều thời gian.
 
Sau khi làm được một phần con đường, một vấn đề mới phát sinh là di chuyển và hạ ngầm đường dây điện, cáp điện ở giữa đường. Các cột điện này trước ở ven đường nhưng khi làm đường mới, chúng lại thành ra ở giữa đường.
 
Riêng việc xin ý kiến của các bên liên quan để di chuyển, hạ ngầm đường dây đã “ngốn” mất mấy tháng trời, khiến con đường không thể thông xe như dự kiến.
 
Con đường “khổ” giữa lòng Thủ đô - 4
Và lầy lội khi trời mưa.
 
“Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn tranh cãi về quy hoạch con đường này do con đường sẽ lấy mất nhà của họ. Vấn đề này đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc trả lời cặn kẽ nhân dân. Song đến giờ vẫn còn nhiều hộ chưa đồng thuận. Trong thời gian tới, BQL sẽ làm khẩn trương, nếu cần thiết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế để đảm bảo tiến độ của công trình” - anh Đức cho biết thêm.
 
“Mong muốn của người dân chúng tôi sống trong khu vực là làm sao nhanh chóng có con đường sạch đẹp để đi lại cho đỡ khổ. Sáng ra chúng tôi còn có nơi mà đi thể dục, con trẻ đi học cũng đỡ vất vả hơn” - bác Biếu nói.
 
Tiến Nguyên