1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Giao thông: “Không có cách nào khác là nên ủng hộ làm đường cao tốc Bắc - Nam”

(Dân trí) - Thảo luận về dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam tuyến phía Đông chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói: “Muốn cho đất nước ta phát triển bền vững, muốn ngân sách dồi dào, muốn cho các tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn có ngân sách lớn hỗ trợ cho các tỉnh còn khó khăn thì không có con đường nào khác là nên ủng hộ làm đường cao tốc để có trục đường tạo động lực phát triển kinh tế lớn".

Bộ Giao thông vận tải cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia nên kế hoạch phân vốn trái phiếu Chính phủ 80.000 tỷ đồng đã dành cho giao thông 70.000 tỷ, 10.000 tỷ chống ngập cho TP.HCM. Trong 70.000 tỷ thì đưa vào dự án này khoảng 55.000 tỷ, còn lại để xử lý cầu yếu đường sắt và các vấn đề cấp bách khác…

Theo ông Kiên, nếu so với quy hoạch mạng lưới giao thông được phê quyệt thì tờ trình chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể phát triển giao thông của nước ta. So với yêu cầu của địa phương thì dự án này không thỏa mãn yêu cầu phát triển giao thông. Tuy nhiên so với Nghị quyết 13 của Trung ương thì dự án này lại đáp ứng yêu cầu.

Ông Kiên cho rằng đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình đã làm 2 làn rồi, giờ không thể làm BOT được vì sẽ gây ra bức xúc xã hội. Tương tự đoạn Cam Lộ - Túy Loan đã vay vốn Nhật Bản mà lại để cho doanh nghiệp vào sẽ khiến công tư lẫn lộn… Còn đoạn cầu Mỹ Thuận rất cần để kết nối.

Việc thu phí ra sao, theo ông Kiên, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng và nhà nước. Hài hòa lợi ích của người dân quanh khu vực trạm thu phí và doanh nghiệp sử dụng. “Chúng ta phải ghi nhận với nhau là chỉ có làm đường cao tốc thì mới thu phí kín được, chứ thu phí hở thì công bằng chỉ mang tính tương đối mà thôi”- ông Kiên nói.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Quảng Bình) đánh giá, dự án làm sớm được chừng nào thì tốt chừng ấy. Hơn nữa, dự án cũng đã đặt ra được các cơ chế để chống được lợi ích, chống thất thu, tiêu cực cũng như các nguy cơ có thể nảy sinh tham nhũng.

“Đây sẽ là động lực để phát triển kinh tế. Phương thức huy động vốn như thế cũng là phù hợp, chia sẻ lợi ích và rủi ro, nâng cao được trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư”- ông Phương nói.

Nhấn mạnh lợi ích đem lại cho người dân là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền xăng, ông Phương đề nghị phải thực hiện đấu thầu công khai, khi thực hiện dự án phải lấy ý kiến người dân để tạo ra sự minh bạch.

1 miếng bánh chia ra 63 tỉnh, thành...

Phát biểu về dự án này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (đại biểu tỉnh Sóc Trăng) phân trần: “Cao tốc Bắc Nam không chạy qua tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp nên tôi nói ở đây là hoàn toàn khách quan. Ngân sách khó khăn lắm, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam. Những trung tâm lớn của Việt Nam chạy từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM. Cần Thơ. Chúng ta có trục Quốc lộ 1 kết nối các tỉnh, thành với nhau, mặc dù đã được nâng cấp nhưng nhiều tuyến đã quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách quốc gia”.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định phải có tuyến cao tốc Bắc - Nam để nối các đô thị lớn với nhau.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Thế Kha).
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Thế Kha).

“Chúng ta nghèo nhưng nếu một miếng bánh chia mành mành ra 63 tỉnh, thành thì có khi cuối cùng chúng ta chẳng có được cái gì cả, ngân sách cũng không tăng trưởng. Chính phủ có nguồn vốn ít thì cần phải tạo ra đột phá. Vì muốn tạo ra sự đột phá đó, Chính phủ mới tiến hành xây dựng đường cao tốc, nhất là cao tốc Bắc- Nam.

Tôi nghĩ rằng muốn cho đất nước ta phát triển bền vững, muốn ngân sách dồi dào, muốn cho các tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn có ngân sách lớn hỗ trợ cho các tỉnh còn khó khăn thì không có con đường nào khác bằng cách chúng ta nên ủng hộ làm đường cao tốc để có trục đường tạo động lực phát triển kinh tế lớn”- ông Thể nói.

Ông Thể cho biết, điểm đầu và điểm cuối cao tốc kết nối với các đô thị lớn để người dân đi lại thuận tiện. Các dự án này có thể đấu thầu thành công 8 dự án, nhưng cũng có thể thấp hơn.

“Chúng ta sẽ đấu thầu hết toàn bộ. Nếu đấu thầu không được sẽ điều chỉnh để đấu thầu lần 2. Sẽ tổ chức đấu thầu chứ không chỉ định thầu như trước đây”- Bộ trưởng Giao thông cam kết.

Tại dự án này, Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ thống nhất trình thu phí kín để đi bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, với giá tính là 2.500 đồng/km, các cao tốc hiện nay thu phí khoảng 1.500 đồng/km.

Dự án này kéo dài 24 năm nên Bộ Giao thông vận tải cho rằng để thu hút được nhà đầu tư thì xây dựng mức giá bình quân cho cả “một đời” là 2.500 đồng/km/xe con. Nhưng vừa làm xong mà thu phí ngay như giá này thì dẫn đến bất cập với giá cũ 1.500 đồng/km/xe con, dẫn đến xe đi đường cao tốc ít. Chính vì thế, Bộ Giao thông vận tải sẽ đề xuất sau khi hoàn thành thu phí 1.500 đồng thì cứ khoảng 2-3 năm tăng 200 -300 đồng; cuối cùng lên mức 3.400 đồng đến năm thứ 24. Bình quân là 2.500 đồng/km/xe.

“Nếu đầu ra không rõ ràng thì nhà đầu tư không tham gia, nếu không có lộ trình thì chủ đầu tư không biết lúc nào hòa vốn, có lãi thì người ta không tham gia. Tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ và mong muốn các đại hiểu ủng hộ phương án Chính phủ trình. Bây giờ tôi nói luôn, mình suy nghĩ có thể giá nó cao nhưng 24 năm sau kinh tế phát triển có khi thu 3.400 đồng/km/xe có khi nó lại quá nhỏ so với bây giờ”- ông Thể nói.

Tư lệnh ngành giao thông dự đoán, nếu Quốc hội thống nhất theo phương án Chính phủ trình thì khả năng huy động được 70.000 tỷ, làm 654 km từ nay đến năm 2020 rất khả thi. Nếu chọn phương án khác thì việc huy động vốn và đấu thầu sắp tới cực kỳ khó khăn, và khả năng không thành công rất lớn.

Dự kiến huy động trên 118.000 tỷ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, giai đoạn hai 2021 - 2025 và giai đoạn sau 2025.

Trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long).

Trong đó 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư), loại hợp đồng BOT; 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng gần 64.000 tỷ đồng.

Thế Kha