Bộ trưởng giải trình, nhận lỗi về những quy định “hành dân”
(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận việc thẩm định quy định CMTND ghi tên cha mẹ có khuyết điểm. Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình thanh minh, quy định “độc quyền” vàng SJC không gây thiệt hại…
Đây là những nội dung các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời truy vấn của đại biểu trong phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật tổ chức ngày 24/12.
“Máy móc khi không thẩm định”
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề, báo cáo của Chính phủ nêu rõ một tồn tại, yếu kém trong việc ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật là văn bản không sát thực tế, không phù hợp với lòng dân, thậm chí trái pháp luật. Nguyên nhân quan trọng được “quy” về vấn đề công tác tổ chức bộ máy cán bộ. Ông Thuyền yêu cầu đại diện Chính phủ trình bày giải pháp đột phá khắc phục với hạn định thời gian cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Vũ Đức Đam cho biết, những hành vi trong xã hội hình thành theo hướng tự phát, lặp lại nhiều năm thành thói quen, cần quy định pháp luật điều chỉnh lại nhưng quy định điều chỉnh cần thuyết phục, phải phù hợp với dư luận.
Việc quy định ghi tên cha mẹ trên chứng minh thư, ông Đam cho biết, cơ quan chủ trì là Bộ Công an đã giải trình, quy định này nhằm để quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vì có nhiều ý kiến khác nhau, ông Đam khẳng định, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ này chỉ triển khai thí điểm và giao Bộ Tư pháp tham khảo, xin ý kiến của các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, xin ý kiến người dân, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến và có báo cáo đánh giá chính thức.
“Chính phủ sẽ xem xét thảo luận tập thể để xem quy định này có nên áp dụng chính thức hay không trên tinh thần đảm bảo yêu cầu quản lý xã hội chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam” – ông Đam nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, Bùi Sỹ Lợi truy vấn về trách nhiệm của hội đồng thẩm định đối với việc xây dựng văn bản quy định vấn đề này (Nghị định 05 và 170).
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình thêm, việc thẩm định thông qua thông tư 27 của Bộ Công an về mẫu CMND ghi tên cha mẹ có căn cứ là hai nghị định 05 và 170. Ông Cường thừa nhận, nghị định 05 ra đời năm 1999, vào thời kỳ việc ban hành văn bản pháp luật chưa nề nếp. Sau đó, nghị định 170 tiếp tục nêu lại nội dung của nghị định 05 nên khi Bộ Công an trình thông tư 27, Bộ Tư pháp đã đồng tình.
“Chúng tôi đã nhận khuyết điểm về việc máy móc khi cho rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay. Chuyện thẩm định của Bộ Tư pháp thời gian qua chưa hoàn toàn đảm bảo” - ông Cường nói và cho biết thêm, sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo cụ thể về văn bản này.
Quy định về phí giao thông đường bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lý giải, quy định này không mới, trước đây đã thực hiện thông qua việc “đánh” vào giá xăng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phân tích, quy định như vậy, trường hợp máy nông nghiệp không chạy trên đường vẫn phải gánh phí trong giá xăng nên Chính phủ đã sửa đổi thành ra quy định hiện hành.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam phân trần, một quy định phức tạp khó đảm bảo trọn vẹn tất cả mọi mặt của vấn đề. Bao giờ một quy định ban hành cũng có một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng quyền lợi, trong quá trình thực hiện cần có giải pháp hỗ trợ những người khó khăn đi kèm.
Với quy định về xe chính chủ, ông Đam xác nhận lại “lỗi” trong việc áp dụng sai bản chất quy định trong Nghị định 71, chuyển việc buộc làm thủ tục sang tên khi chuyển nhượng phương tiện thành việc truy cứu người điều khiển phương tiện có phải chính chủ hay không. Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện và trong thời gian chờ quy định, lực lượng CSGT không được xử phạt người đi xe không chính chủ.
“Có rất nhiều vấn đề khi chuyển thành quy định chi tiết xã hội chưa đồng tình. Các cơ quan của Chính phủ rất cầu thị, nếu sai phải sửa, nếu chưa cụ thể thì phải hướng dẫn, nếu tổ chức thực hiện sai thì cũng phải nhận là tổ chức thực hiện chưa đúng” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trao đổi.
Ủy viên UB KH-CN&MT Trần Thị Quốc Khánh nêu câu hỏi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về quyết định 1623 cho phép sản xuất kinh doanh vàng miếng SJC. Quy định này, theo bà Khánh đã tạo lợi thế riêng cho SJC, khiến người dân nắm giữ vàng với thương hiệu khác, doanh nghiệp kinh doanh loại vàng miếng khác, bị thiệt hại.
Bà Khánh truy: “Vì sao trựớc khi ban hành không lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và ý kiến người dân trước khi ra quyết định 1623. Quyết định đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, trình tự thủ tục, đánh giá tác động văn bản trong ban hành văn bản pháp luật hay chưa?”.
Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình giải trình, để ổn định thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 (tháng 4/2012), có quy định trách nhiệm của NHNN thực hiện can thiệp, tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp với từng thời kỳ. Trên cơ sở Nghị định này, quyết định 1623 được ban hành, quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng SJC.
Ông Bình khẳng định, đây là quyết định riêng của Thống đốc điều chỉnh quy định riêng trong ngành, tương tự quy định về điều chỉnh lãi suất cho vay, không thuộc diện văn bản quy phạm pháp luật. Phó Thống đốc cũng quả quyết, quyết định này được ban hành hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. Khi xây dựng quy định, NHNN cũng đã xin ý kiến các cơ quan liên quan, làm việc với UBND TPHCM là chủ sở hữu của Công ty SJC.
Phó Thống đốc cũng cho rằng quy định không gây thiệt hại với người dân vì Nghị định 24 đã xác định nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua bán bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân và không có phân biệt đối xử với các thương hiệu vàng miếng khác SJC. Nhưng thực tế, có rất nhiều người dân đang nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác chuyển sang thương hiệu SJC, NHNN tiếp tục có hướng dẫn, cho phép SJC được nhận các loại vàng miếng khác gia công lại trở thành thương hiệu SJC với phí gia công 50.000 đồng/lượng.
Vẫn không thông với giải thích này của ông Bình, nữ đại biểu cho rằng, thực tế, nội hàm quyết định 1623 là một văn bản quy phạm pháp luật. Không đủ thời gian tranh luận, bà Khánh đề nghị UB Pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục kiểm tra, giám sát việc này.
P.Thảo