Bộ trưởng Công an: Sẽ rà soát lại quy định về nổ súng
(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 7/11 về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, quy định về nổ súng là nội dung đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nên ban soạn thảo sẽ tiếp tiếp tục rà soát, điều chỉnh đảm bảo chặt chẽ.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật phù hợp với tội danh được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mưa bán, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Đối với các loại vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, các phương tiện có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và đặc biệt là an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết nhiều năm qua có những vụ án mà đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ để gây án. Vì vậy cần phải quy định chặt chẽ trong dự án luật này nhằm hạn chế đối tượng lạm dụng, sử dụng vật liệu nổ, đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố mà hiện thế giới rất quan tâm.
“Đối với các loại vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học không quy định trong dự thảo vì vũ khí hạng nặng được sử dụng vào mục đích quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, nên cần thiết được quy định trong các quy định về quốc phòng.
Vũ khí sinh học, hóa học hiện Việt Nam đã tham gia vào các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và công ước cấm tàng trữ, sản xuất vũ khí sinh học, vũ khí hóa học... nên không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đối với pháo nổ, pháo hoa, do tính chất đặc thù đã được quy định tại nghị định của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo nên không cần thiết phải bổ sung”- Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng-An ninh, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu theo hướng bổ sung đối tượng trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao và lực lượng cảnh sát biển. Tuy nhiên qua các ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung cho phù hợp.
“Quy định về nổ súng tại điều 21 của dự thảo luật là nội dung đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nên ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ và phù hợp với các quy định khác của pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự”- ông Tô Lâm nhấn mạnh.
“Ai cho phép anh dùng quả nổ, quả khói để tấn công vào dân?”
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nêu thực tế đáng lo ngại hiện nay là việc mua bán tiền chất nổ công khai trên mạng xã hội, tội phạm có thể chế tạo thuốc nổ dễ dàng, thuận lợi.
Dẫn ra ví dụ ở tỉnh Nghệ An có một số cơ sở khai thác thác mỏ đá dùng tiền chất nổ để chế tạo thuốc nổ có sức công phá lớn nhưng khi phát hiện bắt giữ khó xử lý hình sự, ông Cầu đề nghị Quốc hội bổ sung thêm hành vi chế tạo, vận chuyển, tàn trữ trái phép tiền chất thuốc nổ vào Bộ luật Hình sự để ngăn chặn hành vi nguy hiểm này.
Đối với quy định về nổ súng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng nhiều sỹ quan chỉ huy không bản lĩnh, không nắm vững các quy định về nổ súng cũng không dám sử dụng chứ chưa nói gì đến cán bộ chiến sỹ bình thường.
“Có một số đồng chí trong Tỉnh ủy chất vấn tôi rằng: “Ai cho phép anh dùng quả nổ, quả khói để tấn công vào dân?”. Tôi giải thích rằng ranh giới giữa tội phạm và không phải tội phạm rất mong manh nhưng cũng rất rõ ràng. Do đó ranh giới giữa người tốt với kẻ xấu cũng rất mong manh và rõ ràng. Có người tốt nhưng do quá khích dùng giáo, mác làm người công vụ bị thương thì lập tức anh ta trở thành người phạm tội. Chúng tôi tấn công là thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật, là ngăn chặn và bắt giữ người phạm tội chứ không phải nhân dân”- ông Cầu nêu ra câu chuyện thực tế và đánh giá khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau nên ban soạn thảo cần phải đánh giá lại.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị làm rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi sử dụng phải mang theo giấy phép sử dụng riêng lẻ hay có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền được cấp.
“Trong trường hợp chống người thi hành công vụ, việc nổ súng đã đem lại nhiều hệ lụy. Với đối tượng chống trả, đe dọa người thi hành công vụ thì cần cho phép nổ súng ngay, không cần phải sau khi đã cảnh báo, bởi đây là những hành vi manh động, nguy hiểm”- ông nói.
Theo dự thảo luật, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc: Nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.
“Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra”- dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp sau: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp tang vật, phương tiện vi phạm.
Người thi hành nhiệm vụ được phép nổ súng mà không cần cảnh báo nếu đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác....
Thế Kha