1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Tôi mong Quốc hội minh xét lại”

(Dân trí) - “Nông lâm trường cũng làm nòng cốt để chúng ta chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu mua nông sản. Nhiều nông trường là nòng cốt bảo vệ vùng rừng của nước ta; đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng nông thôn. Chính vì thế tôi băn khoăn khi có ý kiến đại biểu nói rằng đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất vì nông, lâm trường. Tôi mong Quốc hội minh xét lại việc đó”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

 

Chiều nay 10/11, phát biểu tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm khi để xảy ra những tồn tại, yếu kém trong việc quản lý đất đai tại các nông, lâm trường như các đại biểu Quốc hội đã nêu ra.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng việc tổ chức lại sản xuất tại các nông lâm trường hiện nay hết sức khó khăn do rất nhiều lý do khác nhau. “Có nguyên nhân là gần 8 triệu ha đất nhưng chỉ có 600.000 ha đất nông nghiệp, trong đó Tập đoàn Cao su đã chiếm 300.000 ha rồi, còn 300.000 ha chia cho các nông lâm trường thì rất nhỏ thôi. Phần còn lại đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên cho nên không có nguồn thu khai thác rừng. Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên rồi nên hiệu quả rất khó khăn”- ông Quang lý giải.

Theo ông Quang, quá trình sử dụng đất còn nhiều tồn tại do chính sách pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ mà chúng ta chưa theo kịp. “Các đại biểu đã nêu rõ, chúng ta đã buông lỏng từ trên bộ đến các địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng đất đai. Có lý do khách quan là đất nông lâm trường chưa được đo vẽ đất địa chính khiến quản lý gặp khó khăn”- Bộ trưởng Quang nói.

Bên cạnh việc thừa nhận khuyết điểm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng đất về nông lâm trường, ông Nguyễn Minh Quang cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tổ chức thanh tra được tất cả các nông, lâm trường và chưa quan tâm tới xử lý sau thanh tra dẫn tới vi phạm kéo dài gây bức xúc trong xã hội.

“Nhân đây tôi chính thức đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ các địa phương số kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để hoàn thành đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2016. Số tiền này chưa tính số đo vẽ hồ sơ địa chính cho các khu bảo tồn thiên nhiên. Vừa rồi Chính phủ dự kiến cấp hơn 600 tỷ, hôm nay tôi xin kiến nghị chính thức 1.000 tỷ để các địa phương khỏi lúng túng, hoàn thành dứt điểm việc đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận”-ông Quang nói và kiến nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ xử lý dứt điểm về sai phạm đất đai sau thanh tra.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

 

“Chia lửa” với ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng nông, lâm trường có một quá trình lịch sử phát triển và nhìn tổng thể sẽ thấy nhiều nơi có đóng góp quan trọng. Chính nhờ các nông, lâm trường mới hình thành được ngành cà phê, cao su, chè.

“Nông lâm trường cũng làm nòng cốt để chúng ta chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu mua nông sản. Nhiều nông trường là nòng cốt bảo vệ vùng rừng của nước ta; đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng nông thôn. Chính vì thế tôi băn khoăn khi có ý kiến đại biểu nói rằng đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất vì nông, lâm trường. Tôi mong Quốc hội minh xét lại việc đó”- ông Phát nói.

Tuy vậy, với quá trình nhiều năm làm việc, trăn trở về nông, lâm trường, ông Cao Đức Phát nhận thấy nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả, thậm chí vi phạm, nhất là nông lâm trường ở Tây Nguyên.

Ông Phát cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề này nằm ở chỗ “tổ chức các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả”. “Tôi xin nhận khuyết điểm với Quốc hội, bản thân tôi cũng thấy rõ điều đó”- ông Phát nói.

“Tư lệnh” ngành nông nghiệp cho rằng việc phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát các nông lâm trường còn thiếu, khi thanh tra xử lý những tồn tại chậm và không dứt điểm. Gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thanh tra một số nông lâm trường cà phê nhưng “kết luận rồi mà bà con không đồng ý, cứ kiểm tra đi kiểm tra lại”.

Thế Kha