1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Có thẻ căn cước vẫn cần giấy khai sinh

(Dân trí) - “Giấy khai sinh đã thành truyền thống, là gốc của mọi vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân. Tôi nghĩ nên duy trì như hiện hành, nó sẽ theo suốt đời người, riêng với trẻ dưới 4 tuổi như một loại giấy thông hành”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói.

Sáng 24/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Luật Hộ tịch. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết một số vấn đề đang tồn tại trong ngành hiện nay như trên 35% cán bộ hộ tịch, tư pháp ở xã không có trình độ trung cấp, thậm chí mới tốt nghiệp cấp 3 nhưng không đỗ đại học, cao đẳng, được bố trí làm cán bộ tư pháp hộ tịch rồi chờ đợi điều kiện đi học.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, giấy khai sinh nên được duy trì như hiện nay
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, giấy khai sinh nên được duy trì như hiện nay (Ảnh Việt Hưng)

“Tôi rất nhớ, rất đau lòng trường hợp phạm nhân Lê Văn Luyện (tỉnh Bắc Giang), khi truy tố, xử lý trách nhiệm hình sự thì thấy có tới 3 giấy khai sinh ở 3 địa điểm khác nhau”, ông Cường lật lại câu chuyện phạm nhân Lê Văn Luyện để nêu rõ sự yếu kém của cán bộ tư pháp, hộ tịch.

Từ những phân tích trên, người đứng đầu Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành Luật Hộ tịch là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Tại cuộc họp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc ban hành luật trên là cần thiết, tuy nhiên nhiều cử tri vẫn lo ngại các chính sách chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Nếu làm không cẩn thận lại gây lãng phí ngân sách, còn chính sách lại bị chồng chéo giữa các bộ ngành, thậm chí còn tạo thêm khó khăn cho nhân dân.

Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, những vướng mặc ở đây là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã số định danh. Vấn đề này theo ông Khoa cần phải thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung nguồn lực xây dựng một cơ sở dữ liệu chung.

Đề cập đến nội dung trong dự thảo Luật Hộ tịch, ông Cường cho biết, quy định thời điểm cấp thẻ căn cước còn 2 luồng ý kiến khác nhau là cấp ngay từ khi mới sinh hay từ 14 tuổi. “Chúng tôi sẽ trình bày trước Quốc hội cả 2 phương án đó để đại biểu cho ý kiến. Nhưng dù sao nếu thẻ căn cước cấp từ lúc 0 tuổi thì đến 14 tuổi vẫn phải cấp lại”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng cường nói.

Một nội dung quan trọng khác của Luật Hộ tịch là việc cấp số định danh cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý nhà nước. Trong bối cảnh hoàn tất số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành, Luật Hộ tịch hướng tới việc cắt giảm toàn bộ giấy tờ hộ tịch. Việc này nhằm giúp người dân không phải giữ nhiều giấy tờ hộ tịch như hiện nay.

Riêng về vấn đề giấy khai sinh, ông Hà Hùng Cường cho rằng cần duy trì như hiện hành. “Giấy khai sinh đã thành truyền thống, là gốc của mọi vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân. Tôi nghĩ nên duy trì như hiện hành và nó sẽ đi theo suốt đời người, còn đối với trẻ dưới 4 tuổi nó như một loại giấy thông hành”, ông Cường nêu quan điểm.

Một số ý kiến đề cập đến việc khi đã có cơ sở dữ liệu quốc gia, các loại giấy tờ như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn… chỉ cần cấp cho người dân bản sao. Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vì ý nghĩa quan trọng của các loại giấy tờ đó, nên cấp cho mỗi cá nhân một bản chính.

Quang Phong