"Bộ trưởng báo cáo thuốc không thiếu nhưng người dân vẫn phải đi mua ngoài"
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ việc thiếu thuốc thuộc danh mục BHYT. "Bộ trưởng Y tế báo cáo không thiếu nhưng người dân vẫn phải đi mua ngoài", ông nói.
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và 6.
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 7 vừa qua, khi Quốc hội đã kiện toàn các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Công an.
Đặc biệt, theo ông Bình, cử tri rất quan tâm đến việc Quốc hội điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước và điều chỉnh mức lương cơ sở.
Với những dự án luật được thông qua có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, cử tri kỳ vọng quyết sách này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.
Nhưng bên cạnh đó, Trưởng Ban Dân nguyện cho hay cử tri và nhân dân lo lắng việc tình hình giá cả một số mặt hàng đều biến động tăng, giá nguyên vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường, thường xuyên xảy ra hiện tượng nắng nóng, hạn mặn xâm nhập sâu, mưa lũ gây ngập úng tại nhiều địa phương hay tình hình cháy nổ gây hậu quả lớn vẫn liên tiếp xảy ra, cũng là vấn đề khiến cử tri lo lắng.
Cũng theo báo cáo của Ban Dân nguyện, cử tri còn lo lắng trước tình trạng người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vẫn không đủ một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh tham gia bảo hiểm y tế...
Từ thực tế trên, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong thời gian tới.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị có giải pháp đảm bảo cung cấp thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Cơ quan này cho rằng cần có chính sách ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa các công trình, dự án lớn phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp cho người dân yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế…
Nêu ý kiến về tình trạng thiếu thuốc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn báo cáo nêu tình trạng thiếu một số thuốc, thiết bị y tế trong danh mục chi trả bảo hiểm y tế ở một số nơi, vẫn chưa đảm bảo, người dân phải mua bên ngoài.
"Trước đây, Bộ trưởng Y tế có trả lời trước Quốc hội và khẳng định không thiếu, các cơ chế, chính sách đảm bảo cho bệnh viện thực hiện, nhưng có vẻ các bệnh viện sau quá trình thực hiện chưa giải quyết được vướng mắc, hạn chế này, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người bệnh nghèo, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng không có thuốc, phải mua bên ngoài", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.
Theo ông, cần hết sức quan tâm, có các biện pháp cụ thể để giải quyết. Đặc biệt, ông đề nghị làm rõ thiếu thuốc do trách nhiệm của ngành y tế hay do thực tế khách quan.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhận định thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế còn thiếu. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này và phân tích rõ nguyên nhân.
"Bộ trưởng Y tế báo cáo không thiếu nhưng thực tế các bệnh viện, cơ sở y tế giải quyết trường hợp này rất khó khăn, chủ yếu người dân phải đi mua ngoài một số các loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế. Cái này phải làm rõ", Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.