1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ TN-MT kiến nghị xem lại quy hoạch thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(Dân trí) - Bộ TN-MT vừa báo cáo Chính phủ về việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Theo đó, Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch 2 dự án này.

Nhiều vấn đề môi trường chưa được làm rõ

Trong báo cáo, Bộ TN-MT đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án Đồng Nai 6, 6A (ĐN 6, 6A) còn nhiều vấn đề môi trường chưa được làm rõ. Đầu tiên là vấn đề trồng lại rừng vì khi làm 2 thủy điện này sẽ có hơn 372 ha rừng biến mất vĩnh viễn. Trong báo cáo ĐTM, chủ đầu tư cam kết trồng rừng bồi hoàn nhưng chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.

Khu vực quy hoạch xây dựng thủy điện ĐN6, 6A
Khu vực quy hoạch xây dựng thủy điện ĐN6, 6A

Về tác động đến đa dạng sinh học của khu vực Bàu Sấu, Bộ TN-MT cho rằng: “Báo cáo ĐTM khẳng định khu này hầu như không chịu tác động bởi các dự án, nhưng chưa đưa ra được các số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai vào khu đất ngập nước này và ngược lại để minh chứng”. Ngoài ra, Bộ cũng đánh giá một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học trong ĐTM là thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo tồn loài cá Chình hoa quý hiếm.

Về tác động đến dòng chảy hạ du, Bộ TN-MT đánh giá: “Với giải pháp thiết kế cống xả đáy, sử dụng tuabin kaplan và biện pháp duy trì dòng chảy liên tục là 68m3/s sẽ hạn chế được những tác động bất lợi đến hệ thủy sinh, các hoạt động đánh bắt cá trên sông, đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du”.

Tuy nhiên, Bộ TN-MT cho là báo cáo ĐTM của các dự án chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy đưa ra có đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là ảnh hưởng đến chế độ ngập nước của khu ngập nước Bàu Sấu.

Ngoài ra, Bộ đánh giá dự án thủy điện ĐN 6, 6A còn tiềm ẩn một số tác động bất lợi khác như khi xây dựng các hạng mục phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông… sẽ gây những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên, tạo cơ hội cho hành vi xâm hại VQG Cát Tiên; Việc thực hiện dự án sẽ tác động đến sinh kế của người dân vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như Châu Ro, Mạ, Stiêng…

Từ các tồn tại trên, Bộ TN-MT cho là việc xây dựng thủy điện ĐN6, 6A sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái. Do đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện trên nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung. Theo Bộ, việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…

Chủ đầu tư: “Sẽ bổ sung trong ĐTM mới”

Trao đổi cùng Dân trí, ông Trần Bá Hiệp, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư thủy điện ĐN6, 6A) cho biết ĐTM mà Bộ TN-MT đánh giá là ĐTM mà ĐLGL đã gửi vào tháng 6/2013. ĐTM này đã được ĐLGL rút lại vào ngày 1/8/2013 để bổ sung, làm rõ một số nội dung còn thiếu mà dư luận quan tâm.

Về ý kiến của Bộ TN-MT, ông Hiệp cho là rất đáng quan tâm, bởi bài toán đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường, bất kỳ một dự án phát triển kinh tế nào cũng phải đặt ra, đặc biệt là các dự án thủy điện có chiếm đất rừng. Tuy nhiên, ông khẳng định thủy điện ĐN6, 6A là 2 dự án có các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và hiệu quả kinh tế xã hội thuộc nhóm tốt nhất trong các dự án thủy điện đã và đang triển khai ở Việt Nam.

Về phương án trồng rừng thay thế, ông Hiệp cho biết: “Chúng tôi đã có công văn gửi UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước đề nghị các tỉnh này chỉ định vị trí trồng rừng để chúng tôi lập phương án trồng rừng bù theo quy định và đã có công văn trả lời của các tỉnh này đồng ý bố trí qũy đất để trồng rừng thay thế”.

Về vấn đề dòng chảy, ông Hiệp cho rằng: “Các tác động có lợi cũng như bất lợi cho dòng chảy hạ du đã xuất hiện khi có các dự án thủy điện bậc trên và chưa có hai dự án ĐN6, 6A. Tác dụng bất lợi của các thủy điện bậc trên là có thiết kế vận hành bị gián đoạn trong ngày, hai dự án ĐN6, 6A có thiết kế xả nước phát điện liên tục giữ vai trò điều hòa lại, làm giảm các bất lợi này của các thủy điện ĐN5 ở bậc trên đối với hạ du, kể cả khu ngập nước Bàu Sấu”.

Còn về ảnh hưởng của công trình xây dựng đến Vườn Quốc gia, theo ông Hiệp ĐN6, 6A nằm ở vùng rìa khu Cát Lộc, khu này hoàn toàn khác biệt với khu Nam Cát Tiên. Ông cho biết: “Trong lõi khu Cát Lộc hiện có trên 2.000 người dân đang sinh sống với các cơ sở hạ tầng vẫn đang được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng như đường giao thông, điện, hồ thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, trường học, nhà ở … Lân cận khu vực các dự án này đất đai đã được chuyển sang trồng điều, cà phê, cao su. Rừng khu vực này đã manh mún và bị chia cắt,  không phải là dãi rừng nguyên vẹn nữa”.

Ông Hiệp cho biết các vấn đề mà Bộ TN-MT đề cập trên sẽ được chủ đầu tư tiếp tục có bổ sung, giải trình cụ thể từng điểm và đưa vào báo cáo ĐTM mới sắp hoàn thành.

Tùng Nguyên