1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lâm Đồng, Bình Phước không phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(Dân trí) – Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước, quan điểm của UBND tỉnh Bình Phước là không phản đối việc đầu tư xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6A. Lâm Đồng cũng có ý kiến tương tự.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước trình HĐND tỉnh khóa VIII, dự án thủy điện ĐN 6A có diện tích 91,53ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước. Khu vực này là rừng phòng hộ xung yếu đầu nguồn sông Đồng Nai nhưng hiện đã bị xâm canh.

Cũng theo báo cáo này, UBND tỉnh Bình Phước đang xem xét, đề nghị Bộ Công thương loại bỏ 8 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch và thu hồi chủ trương 1 dự án thủy điện nhưng trong số đó không có thủy điện ĐN 6A.

Lâm Đồng, Bình Phước không phản đối thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Trong khi Đồng Nai phản đối quyết liệt thì Lâm Đồng, Bình Phước (công trình thủy điện ĐN 6, 6A nằm trên địa bàn 2 tỉnh này) không phản đối

UBND tỉnh Bình Phước cũng thận trọng nêu quan điểm: “Trước khi tiến hành thực hiện dự án cần xem xét thận trọng, thấu đáo trên cơ sở khách quan, khoa học mang tính bền vững, lâu dài việc tác động của dự án này đến cảnh quan môi trường, an sinh xã hội đối với các khu vực thuộc dự án”.

Theo thông báo kết quả Kỳ họp thứ bảy – HĐND tỉnh Bình Phước khóa VIII được ký ngày 17/7, HĐND tỉnh Bình Phước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, đặc biệt là những ảnh hưởng về môi trường của dự án thủy điện ĐN 6 và 6A trước khi quyết định.

Ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng vừa công bố ý kiến trên báo Lâm Đồng về các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Ông cho rằng: “Thời gian gần đây có một số ý kiến và dư luận xã hội về việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện 6, 6A - đó là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu, tiếp thu để thực hiện đầu tư dự án tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, ông cũng nêu quan điểm: “Với góc độ là địa phương liên quan trực tiếp tới dự án, nhận thấy đây là một công trình thủy điện nên được tạo điều kiện để thực hiện đầu tư”. Theo ông thì 2 dự án trên có công suất đến 241 MW nhưng diện tích chiếm đất chỉ có 372 ha, trong đó chủ yếu là rừng trung bình, nghèo, hỗn giao, lồ ô, cây bụi, đất trống… Ngoài ra, công trình được xây dựng theo cơ chế điều tiết ngày, do vậy, không tạo ra các hồ, đập lớn, không ảnh hưởng đáng kể đến việc xả lũ cũng như khô hạn ở vùng hạ du.

Ông Sơn cũng cho rằng: “Dự án này có đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Cát Tiên”.

Đánh giá chung về các công trình thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, ông cho biết: “Các công trình thủy điện góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong tổng giá trị GDP; hằng năm, đóng góp gần một trăm tỷ đồng vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng; đóng góp các loại thuế gần 300 tỷ đồng cho ngân sách địa phương”.

Ngoài ra, ông cho rằng: “Một số công trình thủy điện xây dựng trong những năm gần đây hạn chế tình trạng khô hạn ở vùng hạ du. Các đơn vị chủ đầu tư quản lý các công trình thủy điện phối hợp với chính quyền địa phương cơ bản thực hiện có hiệu quả việc xả lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nhân dân, điều tiết nguồn nước cho sản xuất trong mùa khô hạn”.

Tùng Nguyên