1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bỏ tiền triệu thuê vặt lá cho vườn mai “bạc tỉ”

(Dân trí) - Những ngày này, các chủ vườn mai “tiền tỉ” trên địa bàn TPHCM tất bật cho nhân công vặt lá để kịp ra hoa cho vụ tết. Công việc vặt lá mai cũng tạo ra nguồn thu nhập khá ổn cho những nhân công tăng cường này.

Bỏ tiền triệu thuê vặt lá cho vườn mai “bạc tỉ”

Anh Nguyễn Nhật Khánh, chủ vườn mai ở quận Thủ Đức cho biết: “Tết này tôi kêu thêm nhân công từ Tiền Giang lên để chăm cây và vặt lá mai. Thuê hơn chục người, tiền công nhật là 300.000 ngàn một ngày, bao luôn ăn ở”.

Có mặt tại vườn mai của anh Nguyễn Nhật Khánh, không khí xôm tụ khi tiếng cười nói pha lẫn công việc khiến mọi người quên đi cái nóng lúc giữa trưa. Ông Nguyễn Văn Danh, một thợ lâu năm của vườn đang chế biến thức ăn cho bữa chiều, mọi người làm việc và ăn ngủ tại vườn mai.

“Từ giờ đến 30 sẽ dọn dẹp, nhà ai nấy về. Công việc vặt lá mai này thì chỉ cần chăm chỉ một chút là có thể làm được, lá vặt hết cuốn và tránh làm rụng nụ. Công việc vặt lá thực hiện trong 3 ngày, trong hai tuần nữa nếu thời tiết tốt sẽ trổ bông”, ông Danh cho biết.

1.jpg
Công nhân đang vặt lá mai tại vườn mai của anh Khánh
2.jpg
Công việc vặt lá tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm
3.jpg
Di chuyển quanh cây không có kỹ thuật sẽ làm hại đến các nút (búp hoa nhỏ) và đầu nhánh
4.jpg
Giàn giáo tự chế của các nhân công làm để vặt lá trên cao
5.jpg
Những người thợ nhỏ người sẽ trèo vào bên trong những gốc mai “cổ thụ” vặt lá từ trong ra
6.jpg
Những gốc mai đại thụ người thợ có thể đứng trên nhánh
7.jpg
Ông Danh, một công nhân lâu năm của vườn mai đang lo bữa ăn chiều cho cả vườn. Bếp nấu ăn nằm khuất sau mấy gốc mai, những ngày này cả chủ và thợ đều ăn ngủ cùng với mai
8.jpg
Công việc vặt lá sẽ được tiến hành trong 3 ngày
9.jpg
Theo anh Khánh, chăm sóc và bảo dưỡng mai không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính vì thế mà nhân công của anh thường gọi từ vườn các tỉnh miền Tây
10.jpg

Cây mai có hình dáng độc đáo này như hiện thân tình yêu với mai của anh Khánh. “Nhiều người còn chửi tôi khi hỏi mua mà tôi không bán, không bán chưng làm gì. Đã dấn thân vào công việc này rồi thì yêu nó lắm, nhiều khi mình không bán khi khách trả được giá vì mình không có niềm tin vào vị khách ấy. Mua về không chăm, thậm chí chết cây thì phí công mình lắm”, anh Khánh tâm sự

11.jpg
Mai sau trận mưa phải xịt nước để rửa trôi lượng ni-tơ bám lại. Gần chục gốc mai của anh Khánh không rửa kịp nên đã đâm chồi, đành phải chờ gần tết mới vặt lá
12.jpg
Phải chạy đua với thời gian nhưng cũng không thể không tỉ mỉ, các công nhân cần mẫn thực hiện công việc của mình

Theo anh Khánh chủ vườn, thời tiết năm nay cũng khó đoán trước. Vừa rồi gần mười gốc mai dính nước mưa mà công nhân chưa “rửa” kịp nên đã ra chồi khi vẫn còn lá. Những cây này phải đợi gần tết mới bắt đầu vặt, và đương nhiên những cây này bố cục tán hoa sẽ không đẹp.

Người trồng mai phải đối mặt nhiều khó khăn, mùa tết thuận lợi sẽ giúp họ lấy lại những khoản đầu tư, không thì những sản phẩm họ tạo ra sẽ ở lại vườn chờ năm sau, có thể là những năm sau nữa

Cho thuê mai cũng tạo ra nguồn thu khá ổn cho các nhà vườn, giá thuê bằng 1/3 giá trị cây cho cả mùa tết. Nhưng khi cho thuê nhà vườn bỏ công ra rất nhiều từ vận chuyển, giám sát cây, nhận lại và bảo dưỡng cây…

Nói về công việc nhận gia công cho khách chơi mai Tết, anh Khánh tâm sự: “Nhiều rủi ro lắm, mình phải bao ra hoa, ra nụ đúng ngày, căng lắm. Cũng có những hợp đồng mình không thực hiện kịp nên mình lấy cây của mình đưa khách dùng tạm qua mùa tết, qua mùa rồi mình mất cây luôn vì người ta cho rằng mình đổi ngang. Đổi ngang sao được cây của mình chăm sóc lâu năm, giá vài chục triệu, cây của khách gần như chưa uốn nắn gì cả. Chính vì thế mình cũng không mặn mà lắm cho việc nhận gia công”.

Phạm Nguyễn Phú Thọ