1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đồng bằng sông Cửu Long:

Bỏ tiền tỉ, rước hiểm hoạ

Nhiều dòng sông ở ĐBSCL đang bị nghẹt thở trước sự tấn công của trấu từ các nhà máy xay lúa thải xuống. Trước dòng chảy lượn lờ của những con sông chứa đầy xác trấu, hàng ngàn người dân “xót da, sôi ruột" còn các nhà khoa học thì đứt ruột nhìn nguồn nguyên liệu đáng giá bạc tỉ này tan theo bọt nước.

Bó tay trước hiểm hoạ trấu

Khoảng hai tháng nay, ở ĐBSCL - nhất là các địa phương vựa lúa như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... như chìm trong dịch trấu từ các nhà máy xay lúa thải ra.

Tại Đồng Tháp, khu vực từ Vàm Đinh (xã Long Hưng B-Lấp Vò) đến xã Tân Quy Tây (Sa Đéc), có 20 nhà máy xay lúa, bình quân mỗi ngày cho ra hơn 100 tấn trấu. Nhưng do thương lái không ăn hàng, nên lượng trấu tồn đọng đã lên đến hàng chục ngàn tấn.

Ông Lê Phú Liêm - chủ Nhà máy Phước Minh - cho biết: "Trước đây, bạn hàng đến tranh mua với giá 30-50đ/kg, còn bây giờ chúng tôi phải cho tiền ngược lại từ 200-300 ngàn đồng/ghe, nhưng vẫn không thấy người đến chở. Trong khi đó nhà kho thì có hạn nên, một mặt lén đổ xuống sông, một mặt tổ chức đốt bỏ".

Tuy nhiên, theo các chủ ghe chuyên nghiệp chở trấu, thì đây là sự cố ngoài ý muốn. Do trấu rất nhẹ, nếu chở đúng theo quy định an toàn đường thuỷ thì lỗ với giá xăng dầu đang tăng, còn "cơi" cao lên như trước đây thì bị phạt...

Ở An Giang có đến trên hơn 1.000 cơ sở xay xát, nên tình hình càng căng thẳng hơn. Huyện Tân Châu có 24/24 nhà máy vi phạm dưới nhiều hình thức, như: Đặt ống ngầm đưa trấu từ nhà máy ra tận mé nước, hay thổi trấu trực tiếp ra sông...

Còn ở Kiên Giang, chỉ riêng ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B (Châu Thành), có 3 nhà máy xay lúa thì cả 3 đều đổ trấu xuống sông. Nhưng, do nằm sát quốc lộ nên họ hành động có kín đáo hơn.

Ông Nguyễn Văn Tôi - Trưởng Công an ấp - cho biết: "Lợi dụng đêm tối, họ mở cửa kho sát mé sông cho trấu tự chảy xuống sông nên rất khó phát hiện". Trong khi đó, nếu có xử phạt thì mức chế tài lại không đủ mạnh để răn đe, nên sự việc cứ như "bắt cóc bỏ đĩa".

Hiểm hoạ trị giá bạc tỉ

Theo tính toán chuyên ngành, trấu chiếm tỉ lệ 20% hạt lúa. Với sản lượng 17 triệu tấn lúa, mỗi năm ĐBSCL có đến 3,4 triệu tấn trấu.

Vì vậy, khi các chủ nhà máy thả tay thải trấu, không chỉ làm các dòng sông nghẹt thở, mà còn đẩy hàng ngàn người dân vùng sông nước đối mặt với bệnh tật với bao ách tắc trong sinh hoạt, sản xuất.

Tại ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B (Châu Thành - Kiên Giang), bà Hảo - 66 tuổi bức xúc: "Tắm sông bây giờ như tắm nước chứa sẵn kim châm. Tội nhất là mấy cháu nhỏ, thấy ngứa là gãi nên sinh ghẻ đầy mình".

Ông Nguyễn Văn Tôi - Trưởng Công an ấp Phước Ninh - xác nhận: "Vào thời điểm nước ròng, xác trấu từ đáy kênh trồi lên bốc mùi rất nặng". Theo ông Tôi, đó chính là nguyên nhân khiến người dân xung quanh nhà máy bị nhiễm bệnh về mắt và đường ruột ngày càng nhiều.

Còn ở An Giang, chuyện trấu trôi sông đã trở thành mối đe doạ khủng khiếp cho vương quốc cá bè. Nhiều chủ bè ở Tân Châu, An Phú, Châu Đốc... đã lo sốt vó cho đầu ra con cá, khi phải sử dụng quá nhiều loại thuốc để đối phó với tình trạng ô nhiễm lòng sông từ xác trấu. Còn ở Đồng Tháp, người dân sống gần nhà máy còn có thêm nguy cơ nhiễm đường hô hấp trên, do khói bụi từ việc đốt tiêu huỷ trấu.

Trong lúc người dân quằn mình trước những hiểm hoạ từ rác trấu ập xuống, thì các nhà khoa học lại đứt ruột nhìn nguồn nguyên liệu trị giá bạc tỉ tan theo bọt nước.

Thạc sĩ Trần Minh Tâm - Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật-Công nghệ-Môi trường (Đại học An Giang) - cho biết: "Hơn chục năm nay, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu thành công việc ứng dụng trấu vào sản xuất ra nhiều hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đảm bảo được yếu tố "sạch" cho môi trường, như: Công nghệ sản xuất vật liệu điện của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, công nghệ tạo gas sấy nông sản của Viện Cơ điện nông nghiệp Việt Nam, công nghệ sản xuất vữa chảy và vữa bơm trong xây dựng của Viện Khoa học - Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), công nghệ chế tạo ván, thanh nhiên liệu chất lượng cao... Tuy nhiên, không hiểu vì sao mọi chuyện vẫn còn nằm trên giấy!

Hàng loạt những công trình nghiên cứu tận dụng nguồn trấu khổng lồ của vựa lúa lớn nhất nước này làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất, đời sống cứ bị đóng băng, trong khi nguồn trấu thải ra vẫn cứ tồn tại như một loại chất độc, đe doạ từng ngày cuộc sống và môi trường vùng châu thổ này.

Theo Tùng Ân Nhã
Báo Lao động