1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ 13 tỉnh chịu hạn hán

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định hỗ trợ 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh Tây Nguyên chịu ảnh hưởng lớn của đợt hạn hán vừa qua, mỗi tỉnh được hỗ trợ 500 triệu đồng, để giải quyết ngay nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn.

Ông Bùi Văn Tài (60 tuổi) - ấp Kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang cho biết, 8,5 ha đất lúa của mình bị thiệt hại đến 95%. Qua hai mùa bị thiệt hại do hạn, mặn, ông Tài đã thiếu nợ gần 200 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Hành)
Ông Bùi Văn Tài (60 tuổi) - ấp Kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang cho biết, 8,5 ha đất lúa của mình bị thiệt hại đến 95%. Qua hai mùa bị thiệt hại do hạn, mặn, ông Tài đã thiếu nợ gần 200 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Hành)

Trước đó, sau đợt khảo sát nắm tình hình ở hạn hán ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tập trung theo dõi sát diễn biến, dự báo khí tượng, thủy văn và cung cấp các bản tin cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời gửi đến các cơ quan, ban ngành chức năng và người dân để chủ động phương án sản xuất và sinh hoạt; tăng dày điểm đo độ mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời cung cấp thông tin, bản đồ phân bố nước ngọt dưới đất, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị; thành Tổ công tác hỗ trợ kỹ thuật các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Quỹ Môi trường hỗ trợ tài chính các địa phương giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn.

Về lâu dài, Bộ trưởng Hà đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát đối với nguồn nước xuyên biên giới, vận hành các hồ chứa lớn, lưu lượng, mực nước và xâm nhập mặn. Rà soát các quy trình vận hành liên hồ và hướng dẫn các địa phương tiếp tục điều tra tìm kiếm nguồn nước ngọt ở các tầng sâu, kết hợp với việc xây dựng các công trình cấp nước, trữ nước sinh hoạt để sẵn sàng ứng phó với tình trạng như vừa qua. Xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Tiến hành kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt; bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục và hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Các nền kinh tế sẽ có thể ảnh hưởng do khan hiếm nước. Đối với Việt Nam phần lớn nguồn nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, do đó an ninh nguồn nước là vấn đề hết sức quan trọng”.

Chính vì thế, các đơn vị sớm đề xuất để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các tổ chức quốc tế, các cơ chế hợp tác song phương, đa phương như hợp tác tiểu vùng Mê Kông, hợp tác Mê Kông - Nhật Bản, hợp tác Mê Kông - Lan Thương… đàm phán xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, khai thác sử dụng nguồn nước trên cơ sở các nguyên tắc và thông lệ quốc tế là sử dụng công bằng, hợp lý; không gây hại đáng kể đến các quốc gia khác có chung nguồn nước.

Ngoài ra, sẽ thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi tiếp nhận thông tin, dữ liệu về các điều kiện khí tượng, thủy văn, địa chất thủy văn, sinh thái, chất lượng nguồn nước và các thông tin, số liệu về dự báo có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.

Thế Kha